Ngó ra ngoài vịnh Xuân Đài,
Thấy hai ông súng nằm dài giữa truông.
Ngó ra ngoài đảnh Xuân Đài,
Có hai ông súng nằm dài giữa truông
Không đi thì nhắc thì trông
Có đi thì sợ Cù Mông, Xuân Đài.
An Dân, Xuân Thọ chia hai
Chỉ vì cái đảnh Xuân Đài ngăn đôi.
Đèo nào cao bằng đèo Phú Cốc
Dốc nào ngược bằng dốc Xuân Đài
Đèo cao dốc ngược đường dài
Anh còn qua được huống chi vài lạch sông.
Đảnh Xuân Đài hay là dốc Xuân Đài, ranh giới huyện Đồng Xuân và phủ Tuy An nay là ranh giới giữa hai huyện Sông Cầu và Tuy An. Xã Xuân Thọ phía Nam huyện Sông Cầu và xã An Dân phía Bắc huyện Tuy An. Theo địa bạ Triều Nguyễn (1) lập năm Gia Long thứ 14-15 (1815-1816), Xuân Đài xã có 3 giáp, diện tích 662,6 mẫu, tư điền 543 mẫu, tư thổ 71,6 mẫu... Ngoài ra có mộ địa, đất hoang, bàu khe và đường thiên lý...
Vịnh Xuân Đài là cửa khẩu tốt nhất, là đầu mối giao lưu giữa Phú Yên với bên ngoài trong buổi đầu dựng đất, bởi địa thế an toàn, xa tầm chiến đấu với đối phương lúc bấy giờ là Chiêm Thành và lại gần con đường tiếp viện khi có giặc, thuận tiện việc tiếp tế lương thực từ cửa biển Quy Nhơn đưa vào. Thời Lưu thủ Văn Phong (2) cai trị Phú Yên, rồi đến Trấn thủ Nguyễn Phúc Vinh (3) thì dinh cơ đều đặt trong vịnh Xuân Đài.
Dưới thời Tây Sơn ( 1773 – 1779) với chủ trương tập hợp các tầng lớp dân chúng, những thủ lãnh Tây Sơn lại được các nhân vật có uy tín tiếng tăm trong vùng ủng hộ, kể cả đồng bào dân tộc Bana vùng Thồ Lồ ( nay thuộc xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân). Sự kiện ấy đã được phản ảnh trong câu vè Tây Sơn khởi nghĩa :
Thượng du lớn nhỏ đồng tình
Theo ông Hai Nhạc luyện binh đêm ngày.
Thế nhưng đến năm 1775 ( Ất Mùi) Tống Phước Hiệp huy động quân Chúa Nguyễn ra đánh Tây Sơn, quân bộ đóng ở Xuân Đài, sai Võ Tánh đánh La Thai ( La Hai ngày nay). Vịnh Xuân Đài là nơi Nguyễn Ánh cùng thủy quân tiến vào Phú Yên, hoặc là nơi dừng chân, dưỡng binh trên đường ra đánh Quy Nhơn. Xuân Đài là nơi đặt kho để thu nạp lúa gạo chở đến cung cấp lương thực cho quân Nguyễn Ánh. Một địa danh còn ghi lại sự kiện là đèo Vận Lương nằm phía Bắc Sông Cầu 6 Km. Dốc Xuân Đài hiểm trở như lời trình của Nguyễn Tri Phương và Tôn Thất Cấp trong chuyến đi xem xét dọc đường từ Phú Yên đến Bình Thuận năm 1861 ( Tân Dậu).
Khi quốc lộ 1A chưa mở, nhân dân đi bộ, đi ngựa từ Bắc vào Nam đều phải qua dốc Xuân Đài. Đường từ Chí Thạnh ra đến gần dốc Vườn Xoài chừng 300m có con đường rẽ tay trái xuyên về phía Tây Bắc độ 1 cây số thì đến chân dốc. Dốc ngược theo triền núi cao khoảng 500m. Từng bước trèo như lên cấp một tòa lầu, hai bên có nhiều cổ thụ tán lá che phủ, thỉnh thoảng có những tán lộ thiên. Đỉnh dốc về phía Bắc có vườn cam, triền dốc phía bên Bắc ngược lên phía bên Nam, xuống khỏi dốc đi thêm một khoảng đường bằng chừng 7km nữa tới ngã ba Triều Sơn. Trước kia triều nhà Nguyễn có bố trí hai súng thần công để bảo vệ vịnh này.
Đứng trên đỉnh dốc Găng thuộc thôn Cao Phong nhìn về hướng Đông ta thấy màu nước xanh thẳm của vịnh Xuân Đài. Ba bề vòng quanh núi non bao bọc, làng mạc nằm dưới chân núi, mặt Đông Nam thông ra biển Nam Hải. Từ thôn Dân Phước chạy vòng về hướng Tây Bắc qua thị trấn Sông Cầu, Phước Lý, Lệ Uyên, Trung Trinh. Rồi vòng xuống phía Đông, Phú Mỹ ( Vũng Chào) đến Thị trấn Sông Cầu ước độ 10 cây số đường biển. Mực nước khá sâu, tàu lớn có thể ra vào được, gần bờ mực nước cạn, tàu bè không thể cập bến sát thị trấn được.
Năm 1945, tàu hải quân Nhật vào vịnh bị quân Đồng Minh đánh chìm giữa vịnh. Thân tàu chìm khuất dưới làn nước, chỉ có trụ cờ nhô cao khỏi mặt nước. Mãi đến mấy mươi năm sau, một toán thủy thủ là những thợ đóng tàu được phép đến tháo gỡ lấy được một khối lượng sắt khá lớn.
Vũng Xuân Đài có chùa Triều Tôn ở xã Xuân Thọ 2 được khai sáng vào năm 1803 ( Quý Hợi), tổ là nhà sư Chánh Quang. Bên cạnh mộ ông Đào Trí ở làng Triều Sơn thuộc xã Xuân Thọ 2 có chùa Lăng Nghiêm do tổ sư Huệ Chiếu khai sơn khoảng 130 năm về trước.
Chùa Triều Tôn
Những người đỗ Cử nhân chữ Hán từ thời Tự Đức về sau có ông Trần Kỳ Phong người ở Cao Phong, Xuân Đài đậu thứ ba trong số 12 cử nhân năm 1876, ông Võ Đôn Luân người làng Khoan Hậu, Đồng Xuân, đậu cử nhân năm 1897 làm Án sát tỉnh Phú Yên, ông Lê Phụng Cảnh người Khoan Hậu đỗ cử nhân năm 1906 ở tuổi 43, ông Trần Bính năm 1912 học trường Hậu bổ khóa cuối triều Nguyễn, ra làm công chức trước năm 1945. Cách mạng tháng Tám thành công, ông tham gia cách mạng, những năm chống Mỹ, ông là vị chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Phú Yên sớm nhất.
Ngày nay vịnh Xuân Đài phát triển toàn diện, nhất là mặt du lịch ven bờ vịnh. Du khách được thưởng thức tại chỗ những con tôm vừa vớt được nướng trên lò than ngay tại hồ nuôi và có thể chứng kiến lễ hội cầu ngư của ngư dân ở vùng vịnh Xuân Đài. Theo thống kê năm 1999, vịnh Xuân Đài có diện tích 13.000ha ( Đầm Cù Mông 2.655ha), độ sâu từ 2 đến 5m chiếm 80% diện tích, lượng muối trong nước biển biến thiên từ 2,6% - 3,4% tùy theo mùa và khoảng cách so với bờ vịnh, độ pH từ 6,5 – 8,0. Đáy vịnh chủ yếu là cát hoặc bùn cát. Nhật triều trung bình 1,13m, thấp nhất là 0,7 và cao nhất là 2m. Độ oxy hòa tan trong nước biển từ 4,16 đến 6,73cm3/l. Dọc bờ biển của các xã Xuân Hải, Xuân Hòa, Xuân Thịnh, Xuân Phương có các mạch nước ngọt mà trước đây kỹ sư Perrot đã có công khoan tìm.
Vịnh Xuân Đài là nơi tôm bố mẹ có điều kiện cư ngụ và sinh sản, là cơ sở cung cấp tôm giống và nuôi trồng thủy sản ( tôm, cá mú). Vịnh Xuân Đài cũng là môi trường tốt để đánh bắt các hải sản khác, đặc biệt là ốc nhảy và nhiều loại cá : cá lá, cá dò, cá dìa, cá trích…Viết về phong cảnh cửa biển Xuân Đài có thơ của Tam Thai (1948) :
Xuân Đài bốn mặt núi sông liền
Thắng cảnh nước non để dấu truyền
Thánh đế đền xưa nêu thắng tích
Tiên Châu bến cũ hội thương thuyền
Hai sông giáp một triều lên xuống
Ba mặt gành đôi đá ngửa nghiêng
Trùng điệp dương xanh lồng cát trắng
Rừng cây nhân tạo giúp thiên nhiên.
(1) Theo Địa bạ triều Nguyễn- Nguyễn Đình Đầu- Nxb Tp HCM -1997
(2) Văn Phong đến cai trị Phú Yên từ năm 1611, về sau làm phản.
(3) Theo Đại Nam nhất thống chí là Phó tướng Nguyễn Vinh.
( ảnh Vịnh Xuân Đài - Nguồn từ Internet)