BẠCH CẬP

Thứ ba - 08/07/2014 16:56

Bạch cập

Bạch cập
BẠCH CẬP Rhizoma Bletillae Striatae Bạch cập dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách " Bản kinh" là thân rễ phơi hay sấy khô của cây Bạch cập Bletila Striata (Thunb.) Reichb thuộc họ Lan ( Orchidaceae). Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm XVIII - Chỉ huyết.



Bạch cập mọc hoang dại ở nhiều vùng cao mát ở nước ta như Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang. Ở Trung quốc cây mọc nhiều tại các tỉnh Quảng Đông, Vân Nam, Tứ Xuyên, Hồ Bắc, Hồ Nam.

Cây Bạch cập còn có tên là Bạch căn, Cam căn, Liên cập thảo.

Tính vị qui kinh:

Vị đắng ngọt sáp, tính hơi hàn. Qui kinh Phế, Can, Vị.

Theo sách cổ:

  • Sách Bản kinh: Vị khổ bình.
  • Sách Ngô phổ bản thảo: Thần nông: đắng; Hoàng đế: cay; Lý thị: đại hàn; Lôi công: cay, không độc.
  • Sách Y học khởi nguyên: khổ cam sáp.
  • Sách Bản thảo cương mục: nhập phế.
  • Sách Bản thảo tái tân: nhập phế thận.



Thành phần chủ yếu:

Bletilla mannan (gồm mannose và glucose). Trong rễ tươi Bạch cập có tinh bột, glucose, tinh dầu, chất nhày, nước.

Tác dụng dược lý:

A.Theo Y học cổ truyền:

Thu liễm cầm máu, tiêu sưng sinh cơ.

Chủ trị các chứng: khái huyết, thổ huyết, phế ung, chấn thương ngoại khoa gây chảy máu.

Trích đoạn Y văn cổ:

  • Sách Bản kinh: " chủ trị các chứng ung thủng, ác sang, bại thư, thương âm, tử cơ(thịt thối), phì hoãn bất thâu ( rôm sảy lâu khỏi)."
  • Sách Danh y biệt lục: " trừ bạch tiên giới trùng ( trị ghẻ lở, ghẻ nước)".
  • Sách Đồ kinh bản thảo: " trị ung nhọt lở lóet".
  • Sách Trấn nam bản thảo: " trị lao thương phế khí, bổ phế hư, chỉ khái thấu, tiêu phế lao khái huyết, thu liễm phế khí".
  • Sách Nhật hoa tử bản thảo: " chí kinh tà, huyết tà, động kinh xích nhãn ( mắt đỏ), trưng kết, phát bối, loa lịch, trường phong, trĩ lậu, chấn thương dao kéo, ôn nhiệt ngược tật, huyết lî, bỏng lửa, nước sôi, phong tý, thuốc có tác dụng sinh cơ chỉ thống."
  • Sách Bản thảo cương mục: " Bạch cập tính sáp thu vào phế, chỉ huyết sinh cơ, trị sang lở".
  • Sách Bản thảo hội ngôn: " Bạch cập liễm khí thảm đờm, chỉ huyết tiêu ung".
  • Sách Bản thảo kinh sơ: "Bạch cập khổ năng tiết nhiệt, tân năng tán kết, chứng ung thư đều do vinh khí không thông ứ lại tại cơ nhục sinh ra, bại thư thương âm thối thịt, đều do nhiệt huyết ứ sinh ra do đó phải tiết nhiệt".

B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:

1.Tác dụng cầm máu: Thuốc có tác dụng rút ngắn thời gian đông máu của thỏ, tăng nhanh tốc độ lắng máu. Chích dịch nhầy Bạch cập vào tĩnh mạch chủ dưới của ếch, quan sát thấy hồng cầu ngưng kết trong mạch máu ngoại vi hình thành máu khối có tác dụng bịt những mạch máu bị tổn thương mà không gây tắc các mạch máu lớn. Bạch cập ít gây kích thích tại chỗ, những huyết khối do Bạch cập gây nên tự tiêu trong vòng 5 ngày. Người ta cắt ngang đùi thỏ, kẹp các động mạch lớn lại rồi đắp nước Bạch cập lên, chảy máu được cầm ngay. Tác dụng cầm máu của Bạch cập có liên quan đén thành phần chất nhày.

2.Tác dụng của thuốc đối với thủng dạ dày và hành tá tràng thực nghiệm: trên chó gây mê thực nghiệm chọc thủng nhân tạo dạ dày vàtá tràng mỗi chỗ 1 lỗ đường kính 1cm, bơm vào 9g bột Bạch cập, sau 15 giây bột Bạch cập lấp kín, 40 giây sau hình thành một màng phủ kín lỗ thủng. Nhưng nếu cho chó ăn no và lỗ thủng to thì thuốc không có tác dụng.

3.Tác dụng kháng khuẩn: trong ống nghiệm Bạch cập có tác dụng ức chế vi khuẩn G(+), có tác dụng ức chế mạnh trực khuẩn lao ở người. Thuốc có tác dụng ức chế tụ cầu khuẩn trắng và liên cầu A, làm tăng sinh tổ chức hạt giúp cho vết thương chóng lành miệng.

4.Tác dụng thay huyết tương: gây choáng mất máu trên súc vật thực nghiệm, 2% dịch thuốc có tác dụng thay huyết tương, trên lâm sàng cũng chứng minh thuốc có tác dụng duy trì dung lượng máu và nâng cao huyết áp.

5.Tác dụng chống ung thư: chất nhày của Bạch cập là thành phần có tác dụng chống ung thư.

6.Độc tính của Bạch cập: lúc phối ngũ với Phụ tử, Xuyên ô và Thảo ô. Với cách sắc, phương pháp cho uống và liều lượng như nhau thì Bạch cập phối hợp với từng vị thuốc trên và riêng lẽ từng vị cho uống thì độc tính của thuốc và một số súc vật thí nghiệm tử vong không thấy tăng ( theo sách cổ thì Ô đầu phản Bạch cập).

Ứng dụng lâm sàng:

1.Dùng làm thuốc cầm máu:

A.Trị lao phổi ho ra máu: dùng các bài:

  • Độc thần tán: Bạch cập tán bột mịn, mỗi lần uống 10g với nước ấm trước khi đi ngủ Trang kiệt Tuấn cho 13 bệnh nhân lao uống Bạch cập 9g, ngày 3 lần, phần lớn từ 1 đến 3 ngày hết ho ra máu ( báo Trung y dược Phúc kiến 1964, 9(4):32)
  • Bạch cập tán: Bạch cập 8 phần, Tam thất 4 phần tán bột mịn mỗi lần uống 4g, ngày 2 lần với nước ấm, trị lao trong đờm có máu.
  • Bạch cập tỳ bà hoàn: Bạch cập 40g, Tỳ bà 12g, Ngẫu tiết 20g tán bột, A giao (sao cáp phấn) 12g hòa tan với nước Sinh địa trộn bột thuốc làm hoàn. Mỗi lần uống 6 - 8g, ngày 2 lần với nước ấm, trị ho ra máu.

B.Trị giãn phế quản ho ra máu: Từ tử Bình dùng thuốc trị 21 ca giãn phế quản ho ra máu, mỗi lần cho uống bột Bạch cập 2 - 4g, ngày 3 lần, 3 tháng là một liệu trình. Theo dõi 1 - 2 liệu trình: ho, đàm đều giảm nhiều, hết ho ra máu ( Báo Y học Sơn đông 1960,10:9)

C.Trị xuất huyết tiêu hóa trên: tác giả dùng:

+ Bột cầm máu số 1 ( Nhi trà, Bạch cập, A giao, Vân nam bạch dược) trị 140 ca có kết quả 133 ca, tỷ lệ 95%, thử phân máu chuyển âm tính bình quân 6,1 ngày.

+ Bột cầm máu số 2 (số 1 bỏ Vân nam bạch dược) trị 20 ca, 18 ca khỏi, 90% phân máu chuyển âm tính bình quân 4,0 ngày.

+ Bột cầm máu số 3( bột cầm máu số 2 gia bằng lượng sâm Tam thất) trị 60 ca có kết quả 56 ca, tỷ lệ 92,3%, thử phân máu chuyển âm tính bình quân 5,7 ngày. Phần lớn bệnh nhân hết chảy máu lâm sàng trong 1 - 3 ngày ( Báo cáo của khoa Nội Bệnh viện Công nông binh Bắc kinh - Tạp chí Tân y dược học 1978, 3:28).

D. Trị xuất huyết do loét dạ dày: Tiền nhạc Niên dùng Bạch cập, Ô tặc cốt mỗi thứ 2g, ngày uống 3 - 4 lần, trị 108 ca xuất huyết dạ dày, 3 ngày phân đen chuyển thành vàng 47,4%, 7 ngày chuyển màu vàng 89,5%, phản ứng máu phân chuyển âm tính sau 3 ngày 20,6%, 7 ngày chuyển âm tính 76,4% ( tạp chí Trung y Giang tô 1965,11:3).

E. Trị tiêu ra máu do rách hậu môn: Lương Thị dùng chất nhày Bạch cập gia vào bột Thạch cao chế thành cao Bạch cập trị 11 ca rách hậu môn ra máu, dùng gạc tẩm cao đắp vào vùng đau, mỗi ngày thay 1 lần trong 10 - 15 ngày, theo dõi sau 3 tháng đều có kết quả: 9 ca sau 1 lần đắp hết ra máu, đắp thuốc ngày thứ nhất và thứ hai toàn bộ không đau hoặc giảm đau nhiều, sau 6 - 10 ngày mắt nhìn thấy vết rách lành ( Tạp chí ngoại khoa Trung hoa 1959,7(7):661).

F. Trị phế ung ( áp xe phổi) ho khạc ra máu, dùng bài:

  • Bạch cập thang: Bạch cập 12g, Xuyên bối 6g, Bách hợp 12g, Ý dĩ 20g, Phục linh 12g sắc nước uống.

2.Trị thủng dạ dày tá tràng cấp: Truyền Bội Bưu và cộng sự dùng trị chứng thủng dạ dày cấp 29 ca như sau: trước hết dùng ống dạ dày hút sạch dịch dạ dày xong cho uống nhanh bột Bạch cập với nước sôi nguội không quá 90ml, sau 1 giờ uống 1 lần nữa như lần trước. Ngày thứ 2, lượng thuốc Bạch cập mỗi lần 3 g, ngày 3 lần. Ngày đầu phải nhịn hoàn toàn, ngày thứ 2 uống một ít nước và ăn lỏng, ngày thứ 3 chế độ bán lỏng. Kết quả khỏi 23 ca, không kết quả phải mổ 1 ca, biến chứng áp xe dưới cơ hoành 1 ca, tử vong 4 ca ( Tạp chí ngoại khoa Trung hoa 1963, 11(7):511).

3.Trị bệnh lao:

A.Viên phòng trị bệnh lao: Cẩm châu đã trị 60 ca các loại lao phổi đã nhờn thuốc chống lao với thuốc chống lao gia thêm Bạch cập, kết quả tốt. Dùng thuốc bột Bạch cập 6g mỗi ngày. Kết quả sau 3 tháng kiểm tra: khỏi lâm sàng 42 ca ( chụp X quang phổi, tổn thương tiêu hoặc xơ hóa, hang liền, đàm BK (-), tốc độ huyết trầm bình thường, triệu chứng lâm sàng hết), tiến bộ rõ 13 ca, 2 ca không khỏi ( Tạp chí phòng lao Trung quốc 1960,2:75).

B.Trị hang lao xơ hóa mạn tính: Dùng bài Bạch cập 1000g, Bách bộ 300g, Xuyên bối mẫu 300g, Bách hợp 300g, Mẫu lệ 300g luyện mật thành hoàn, mỗi hoàn 10g, ngày uống 2 hoàn chia sáng và chiều, hoặc ngày uống 3 lần sau bữa ăn, mỗi lần 1 hoàn, uống liền 6 tháng, đã trị 20 ca, kết quả tổn thương lao mới mất 1/3 là 15 ca, không kết quả 5 ca, tổn thương xơ cũ không thay đổi ( Báo cáo của Triệu Quang Thanh - Tạp chí phòng lao Trung quốc 1966,7(3):209).

C. Trị lỗ dò do lao: Đắp ngoài thuốc bột Bạch cập, tùy theo tình hình chảy nước nhiều ít đắp hàng ngày hay cách nhật, lúc chất xuất tiết giảm thay đắp 1 tuần 1 - 2 lần, phần lớn vết thương sau 15 lần đắp có xu hướng bớt. Đã trị cho 10 ca có lỗ dò lao sau 15 - 30 lần khỏi ( Báo cáo của Bệnh viện Lao Nội mông - Tạp chí phòng lao Trung quốc 1960,2:1106).

4.Trị ho gà: Hoàng du Xương dùng Bạch cập trị 87 ca ho gà, liều lượng dưới 1 tuổi 0,1 - 0,15g/kg, từ 1 tuổi trở lên 0,2 - 0,25g/kg. Kết quả có 37 ca sau 5 ngày uống thuốc triệu chứng giảm rõ, 15 ca trong 10 ngày giảm, 6 ca không kết quả, 37 ca bỏ dở ( Tạp chí Y học Sơn tây1957,2:53)

5.Trị bụi phổi: Tác giả dùng thuốc Bạch cập trị 34 ca bụi phổi đơn thuần, mỗi lần cho uống 5 viên ( 1 viên có 0,3 sinh dược, ngày uống 3 lần. Sau 3 tháng đến 1 năm, các triệu chứng như đau ngực, thở gấp, ho, khạc đờm đen, ho ra máu giảm rõ hoặc mất, chức năng phổi được cải thiện, lên cân, nhưng phổi chụp X quang không thay đổi rõ rệt ( Tạp chí bệnh lao Trung hoa 1959,7(2):149)

6.Trị bỏng lửa, nước sôi và chấn thương ngoại khoa: Dùng chất nhớt Bạch cập bôi ngoài, bôi đắp xong đắp gạc vaseline lên bọc lại. Trường hợp nặng 5 - 7 ngày thay 1 lần, trường hợp bội nhiễm thay băng cách nhật. Tra thần Khang đã dùng trị cho ( ca bỏng ( diện tích bỏng 8%), 2 ca vết mổ sau viêm ruột thừa và 38 ca chấn thương ngoại khoa (bình quân diện tích tổn thương 11%) đều khỏi sau từ 1 - 3 lần bôi đắp thuốc ( Tạp chí Trung y 1965(7):37).

7.Dùng Bạch cập thay huyết tương trị sốc: do mất nhiều máu dùng chất nhày Bạch cập chế thành dung dịch 2% thay huyết tương thử dùng trong phẫu thuật ngoại khoa, mất máu do chấn thương ngoại khoa, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết do xơ gan, lượng dùng 250 - 500ml, có tác dụng duy trì dung lượng máu và nâng huyết áp ( Báo cáo của khoa Nhiễm Bệnh viện số 1 Trường Đại học Y khoa Cát lâm - Thông tin Trung thảo dược 1973,1:34).

8.Trị nứt nẻ chân tay: Tăng Xung đã dùng Bạch cập 30g, Đại hoàng 50g, Băng phiến 3g, đều tán bột mịn gia mật ong khuấy thành hồ bôi ngoài ngày 3 lần. Đã trị 13 ca toàn bộ khỏi, nhẹ thời gian 2 - 3 ngày, nặng 5 - 7 ngày ( Tạp chí Trung y Hà nam 1985,2:21).

Liều dùng và chú ý:

  • Dùng uống trong: liều thường dùng: 3 - 10g, cho vào thuốc thang, cần lượng nhiều có thể dùng tới 30g, hoặc làm thuốc hoàn tán.
  • Trường hợp dùng bột uống mỗi lần 1,5 - 3g ngày 1 - 3 lần.
  • Dùng ngoài lượng theo yêu cầu.

Chú ý lúc dùng:

  • Theo sách cổ, trong 18 phản có nói: " Ô đầu phản Bạch cập, cho nên không nên dùng chung trong phối ngũ."
  • Sách Bản thảo kinh sơ viết: " Ung nhọt đã vỡ không dùng chung với thuốc đắng hàn", cần lưu ý.
  • Bạch cập tính đắng ngọt lương ( mát) chất rất nhày dính sáp là thuốc chủ yếu trị phế vị xuất huyết. Dùng bột mịn hòa nước uống tác dụng tốt hơn cho vào thuốc thang.

Nguồn tin: ( theo GS Trần Văn Kỳ - Dược học cổ truyền) - Ảnh sưu tầm từ Internet.

 Từ khóa: làm thuốc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Cám ơn

PHÚC TÂM ĐƯỜNG
Số: 4 B đường Phan Bội Châu, Phường 1, TP Tuy Hòa
Mail: Phuctamduong@gmail.com | ĐT: 0905 147 543

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây