CÂU ĐẰNG

Thứ ba - 22/07/2014 15:59

.

.
CÂU ĐẰNG (Ramulus Uncariae Cum Uncis) Câu đằng là thân có gai móc câu của cây Câu đằng, phơi hay sấy khô dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Danh y biệt lục. Cây Câu đằng có nhiều loại có tên khoa học khác nhau như Uncaria rhynchophyll A (Myq) Jacks, U.macrophylla Wall, U.Hirsuta Havil, U.sinensis (Oliv) Havil, U.sessifructus Roxb thuộc họ Cà phê (Rubiaceae). Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm XIII - Bình can tức phong.

Ở nước ta, cây Câu đằng mọc hoang nhiều ở vùng thượng du Cao bằng, Hoàng liên sơn, chưa được trồng.

Tính vị qui kinh:

Vị ngọt hơi hàn, qui kinh Can, Tâm bào.

Theo các sách thuốc cổ:

  • Sách Danh y biệt lục: hơi hàn.
  • Sách Dược tính bản thảo: vị ngọt bình.
  • Sách Thục bản thảo: vị đắng.
  • Sách Bản thảo cương mục: nhập thủ túc quyết âm kinh.
  • Sách Bản thảo kinh sơ: nhập thủ thiếu âm, túc quyết âm kinh.

Thành phần chủ yếu:

Rhynchophylline, Isỏhynchophylline, corynoxeine, Isocorynoxeine, corynantheine, nicotinic acid, hirsutine, hirsuteine.

Tác dụng dược lý:

  1. Tác dụng hạ áp: các loại chế phẩm và chiết xuất của Câu đằng đều có tác dụng hạ áp hòa hoãn và kéo dài. Thành phần chủ yếu có tác dụng hạ áp là chất kiềm Câu đằng. Nguyên lý hạ áp chủ yếu là thuốc trực tiếp tác dụng và phản xạ tác dụng ức chế trung khu thần kinh vận mạch và chẹn nút thần kinh giao cảm, làm giãn mạch ngoại vi nên lực cản giảm và hạ áp. Nếu đun sôi quá 20 phút tác dụng hạ áp giảm cho nên không nên đun lâu.
  2. Tác dụng an thần: nước sắc Câu đằng và chiết xuất cồn thuốc trên súc vật thực nghiệm đều có tác dụng an thần rõ nhưng không gây ngủ. Cao ngâm rượu của thuốc có tác dụng chống co giật trên chuột Hà lan thực nghiệm.
  3. Câu đằng còn có tác dụng ức chế cơ trơn của ruột, làm dịu cơn co thắt cơ trơn của phế quản.

Ứng dụng lâm sàng:

1.Trị huyết áp cao do can dương thịnh:

  • Câu đằng 12g, Kim ngân hoa 10g, Bạc hà 6g, Cúc hoa 10g, Địa long 10g, nước sắc uống.
  • Câu đằng, Cúc hoa đều 10g, Thạch cao 20g, Mạch môn 10g, Trần bì 10g, Cam thảo 3g sắc uống.
  • Câu đằng, Tang diệp, Cúc hoa đều 10g, Hạ khô thảo 16g, sắc nước uống.
  • Huyền sâm, Bạch truật, Câu đằng (cho sau) đều 15g, Hoài ngưu tất 12g, Đơn bì 10g, sắc uống.
  • Viên chiết xuất kiềm Câu đằng 20 - 40mg/1 lần uống (liều có thể 60mg), ngày 3 lần. Tác giả dùng trị cho 245 ca cao huyết áp, tỷ lệ hạ áp 77,2%, tỷ lệ hạ áp rõ là 38,2%, tốt nhất đối với thể âm hư dương kháng, hạ áp ổn định và kéo dài (Báo cáo của Sở nghiên cứu thuốc, kiểm nghiệm sản phẩm thuốc thị xã Thiên tân, Thông tin Trung thảo dược 1976,3:38).

2.Trị co giật do phong nhiệt, trẻ em sốt cao co giật:

  • Câu đằng ẩm tử (Tiểu nhi dược chứng trực quyết): Câu đằng 12g, Quảng tê giác (sừng trâu) bột 10g, Thiên ma 10g, Toàn yết 5g, Mộc hương 3g, Cam thảo 3g sắc uống.
  • Câu đằng 10g, Thiên ma 6g, Cúc hoa 8g, Bạc hà 6g, Thuyền thoái 2g, Kinh giới 6g, sắc uống trị trẻ em lên sởi sốt cao.

3.Trị trẻ em uốn ván sốt:

  • Câu đằng 15g, Tang diệp 15g, Hoàng cầm 10g, Đởm nam tinh 6g, Thạch cao 60 - 100g, Thuyền thoái 30g, Toàn yết, Bạch phụ tử mỗi thứ 10g, Ngô công 2 con, sắc nước uống ngày 1 thang (Theo liều lượng mà tác giả dùng: Toàn yết và Bạch phụ tử có thể 15g, Ngô công 5 con).

4.Trị trẻ em khóc đêm:

  • Câu đằng, Thuyền thoái đều 3g, Bạc hà 1g sắc uống, ngày 1 thang liên tục 2 - 3 ngày. Đã trị 18 ca, khỏi 17 ca ( Thông tin Trung thảo dược 1979,3:38).

Liều dùng và chú ý:

  • Liều thường dùng: 5 - 15g. Trong thang thuốc sắc nên cho sau vì theo kinh nghiệm của cổ nhân thì thuốc sắc lâu ít hiệu lực và thực nghiệm cũng đã chứng minh, Câu đằng sắc trên 20 phút thì thành phần hạ áp của thuốc bị phá hủy.

Nguồn tin: theo GS Trần Văn Kỳ - Dược học cổ truyền - Ảnh sưu tầm từ Internet.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Cám ơn

PHÚC TÂM ĐƯỜNG
Số: 4 B đường Phan Bội Châu, Phường 1, TP Tuy Hòa
Mail: Phuctamduong@gmail.com | ĐT: 0905 147 543

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây