ĐẠI HOÀNG

Thứ sáu - 01/08/2014 21:52

.

.
ĐẠI HOÀNG ( Rhizoma Rhei) Đại hoàng còn gọi là Xuyên Đại hoàng, Tướng quân, Cẩm Văn dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Bản kinh, là thân rễ phơi hay sấy khô của nhiều loại Đại hoàng như Chưởng diệp Đại hoàng (Rheum palmatum L.); Đường cổ Đại hoàng (Rheum officinale Baill.) đều thuộc họ Rau răm ( Polygenaceae). Vị thuốc này màu vàng nên gọi là Đại hoàng. Còn gọi là Tướng quân vì vị thuốc này có khả năng tống cái cũ sinh cái mới rất nhanh như dẹp loạn. Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm XXI - Tả hạ, nhuận hạ

Ở Trung Quốc, cây Chưởng diệp Đại hoàng và Đường cổ đặc Đại hoàng mọc ở Thanh Hải, Cam Túc nên gọi là Bắc Đại hoàng, cây Dược dụng Đại hoàng chủ yếu mọc ở Tứ Xuyên nên gọi là Nam Đại hoàng.

Tính vị qui kinh:

Đại hoàng vị đắng, tính hàn, qui kinh Tỳ, Vị, Đại tràng, Can, Tâm.

Theo các sách thuốc cổ:

  • Sách Bản kinh: vị đắng hàn.
  • Sách Danh y biệt lục: đại hàn, vô độc.
  • Sách Bản thảo cương mục: nhập Túc thái âm, thủ túc dương minh, thủ túc quyết âm, ngũ kinh huyết phần.

Thành phần chủ yếu:

Trong Đại hoàng có 2 loại hoạt chất có tác dụng ngược nhau. Loại có tác dụng tẩy là các dẫn chất của anthraquinone glycoside tổng lượng chiếm khoảng 3 - 5% phần lớn ở trạng thái kết hợp gồm có chrysophanol emodin, aloe-emodin, rhein và physcion, loại có tác dụng thu liễm là các hợp chất có tanin (rheotannoglycosid) chủ yếu có glucogallin, rheumtannic acid, gallic acid, catechin, tetrarin, cinnamic acid, rheosmin. Ngoài ra còn có acid béo, calcium axalate, glucose, fructose, sennoside A,B,C,D,E, các acid hữu cơ và các chất giống oestrogene.

Tác dụng dược lý:

A.Theo Y học cổ truyền:

Đại hoàng có tác dụng: tả hạ công tích, tả hỏa, thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết hóa ứ, lợi thủy thanh nhiệt hóa thấp. Chủ trị các chứng: tích trệ chứng thực, lî tật, đau đầu do thực hỏa, mắt đỏ họng đau, mồm lở, xuất huyết do nhiệt, nhọt lở do nhiệt độc, bỏng, trường ung ( viêm ruột thừa), kinh bế, sau sanh nước ối không ra, trưng hà, chấn thương do té ngã, phù thũng, hoàng đản, chứng lâm.

Trích đoạn Y văn cổ:

  • Sách Bản kinh: " hạ ứ huyết, huyết bế hàn nhiệt, phá trưng hà tích tụ, tẩy rửa trường vị (đảng dịch trường vị), tống cũ sinh mới, thông lợi thủy cốc, điều trung hóa thực, an hòa ngũ tạng".
  • Sách Dược tính bản thảo: " chủ hàn tiêu thực, luyện ngũ tạng, thông kinh, lợi thủy thũng, phá đàm thực, lãnh nhiệt tích tụ, súc thực, lợi đại tiểu trường, chủ tiểu nhi hàn nhiệt thời tật, phiền nhiệt, thực nùng, phá lưu hyết".
  • Sách Bản thảo thiết yếu: " phàm các chứng uẫn nhiệt, tạng phủ kiên sáp trực tràng hỏa táo nhi đại tiện bí, phù cam quá đọ, vị hỏa thịnh nhi đại tiện kết tất dụng khổ hàn, dĩ Đại hoàng khả dã. Trường hợp té ngã chấn thương có huyết ứ dùng thuốc có Đào nhân, Hồng hoa tất phải gia Đại hoàng sao rượu. Đối với trường hợp dương minh vị hỏa, đàm nước miếng nhiều, viêm amidan họng tắt (hầu bế nhũ nga), bệnh quai bị sưng đau đến răng miệng, dùng thuốc thanh đàm giáng hỏa, tất phải gia Đại hoàng chế rượu".
  • Sách Bản thảo cương mục: " thuốc phải trị các chứng hạ lî xích bạch, lî cấp phúc thống, tiểu tiện lâm lịch (đái rắt, không thông lợi), thực nhiệt táo kết, triều nhiệt đạm ngữ ( sốt nhiều nói nhỏ), hoàng đản (vàng da), hỏa sang (lở do nhiệt)".
  • Sách Cảnh nhạc toàn thư: "khí hư dùng với Nhân sâm là bài Hoàng long thang, huyết hư dùng với Đương qui là bài Ngọc chúc tán. Dùng thêm Cam thảo, Cát cánh để thuốc bớt "hành", dùng với Mang tiêu, Hậu phác tăng thêm lực của thuốc. Dùng nhiều ít tùy theo có thể hư thực. Nếu dùng nhầm như dùng chim độc".
  • Sách Dược chứng: " hợp với Hậu phác chỉ thực, trị bụng ngực đầy; hợp với Hoàng liên trị đầy ở mõm ức; hợp với Cam toại, A giao trị thủy và huyết; hợp lại với Thủy điệt, Manh trùng, Đào nhân để trị ứ huyết; hợp với Hoàng bá, Chi tử trị chứng vàng da; hợp với Cam thảo trị chứng cấp thông; hợp với Mang tiêu trị hòn cứng".

B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:

  1. Chất gây tiêu chảy của Đại hoàng là Anthraquinone. Tác dụng của thuốc chủ yếu là ở Đại tràng, thuốc làm cho trương lực của đoạn giữa và cuối đại tràng tăng, nhu động ruột tăng, nhưng không trở ngại cho việc hấp thu chất dinh dưỡng của tiểu tràng. Nhưng trong Đại hoàng có chất Tanin nên sau tiêu chảy thường hay táo bón, hoặc liều nhỏ (ít hơn 0,3g/Kg) thường gây táo bón.
  2. Tác dụng lợi mật: thuốc tăng co bóp túi mật, giãn cơ vòng oddi khiến mật bài tiết.
  3. Tác dụng cầm máu: thuốc có tác dụng cầm máu, rút ngắn thời gian đông máu, làm giảm tính thấm của mao mạch, cải thiện độ bền của thành mạch, làm tăng fibrinogene trong máu, làm mạch máu co thắt tăng, kích thích tủy xương chế tạo tiểu cầu, nhờ vậy làm tăng nhanh thời gian đông máu. Thành phần cầm máu chủ yếu là chrysophanol.
  4. Tác dụng kháng khuẩn: Đại tràng có tác dụng kháng khuẩn rộng chủ yếu đối với tụ cầu, liên cầu, song cầu khuẩn lậu, trực khuẩn bạch hầu, thương hàn, phó thương hàn, kiết lî.Thành phần ức chế vi khuẩn chủ yếu là dẫn chất của anthraquinone. Thuốc còn có tác dụng ức chế một số nấm gây bệnh và virus cúm.
  5. Nước sắc Đại hoàng cho chó gây mê uống gây hạ áp. Liều nhỏ của Đại hoàng kích thích tim ếch, liều lớn ngược lại ức chế.
  6. Thành phần emodin và rhein trực tiếp ức chế sự sinh trưởng của tế bào ung thư của hắc lựu (melanoma), ung thư vú và ung thư gan có ascite (nước bụng) ở chuột.
  7. Thuốc có tác dụng lợi tiểu, bảo vệ gan và giảm cholesterol máu đối với thỏ gây cao cholesterol và cho uống thuốc. Nhưng với thỏ bình thường thì không có tác dụng.

Ứng dụng lâm sàng:

1.Trị thận suy mạn tính: Bệnh viện Thủ đô Bắc kinh báo cáo: dùng Đại hoàng 30 - 60g (nếu cho sao dùng 20g), Mẫu lệ nung 30g, Bồ công anh 20g, sắc còn 600 - 800ml, thụt lưu đại tràng, mỗi ngày 1 lần, bệnh nặng 2 lần, giữ bệnh nhân mỗi ngày tiêu 3 - 4 lần là được. Kết quả trong 20 ca, tổ A 10 ca (creatinin 10mg%), triệu chứng cải thiện, urê giảm kết quả rõ. Tổ B (creatinin 10 - 15mg%) 6 ca kết quả kém. Tổ C (creatinin 15mg%) 4 ca, kết quả kém hơn ( Tất tăng Kỳ, Tạp chí Trung y 1981,9:21).

2.Trị xuất huyết tiêu hóa trên: dùng bột (viên hoặc sirô) Đại hoàng trị 890 ca xuất huyết tiêu hóa trên ( không bao gồm xuất huyết do xơ gan), mỗi lần uống 3g, ngày 3 lần, kiểm tra phân âm tính hoặc dương tính nhẹ mới thôi uống. Trong thời gian điều trị không dùng các loại thuốc cầm máu khác. Chảy máu nhiều truyền máu hoặc glucoz. Kết quả trong 890 ca có 868 ca máu cầm tỷ lệ 97%. Bình quân thời gian cầm máu là 2 ngày, bình quân lượng Đại hoàng dùng cho mỗi bệnh nhân 18g (Tiêu Đông Hải, Tạp chí Trung tây y kết hợp 1982,2:85).

3.Trị Viêm tụy cấp: tác giả dùng Sinh Đại hoàng sắc, mỗi lần 30 - 60g, 1 - 2 giờ uống 1 lần cho đến khi bụng giảm đau, amylase nước tiểu bình thường, bạch cầu giảm thì giảm liều. Đã trị 100 ca, trừ các chứng nặng đều không dùng hạ áp lực dạ dày ruột, không nhịn ăn, một số ít bệnh nhân truyền dịch hoặc dùng thêm trụ sinh. Sau khi bệnh ổn định tiếp tục dùng viên Đại hoàng, mỗi lần 3 g, ngày 2 lần để cũng cố. Kết quả: toàn bộ bệnh nhân đều có kết quả, bình quân sau 2 ngày, amylase nước tiểu bình thường, sau 3 ngày bụng hết đau và triệu chứng bệnh lý ở bụng hết, sau 5 ngày, thử nghiệm SGPT hồi phục bình thường. Bình quân mỗi bệnh nhân dùng 450g Đại hoàng ( Tạp chí Trung tây y kết hợp 1982,2:85).

4.Trị viêm ruột hoại tử xuất huyết: tác giả dùng thuốc sắc Đại hoàng sống kết hợp truyền dịch cân bằng nước điện giả trị 14 ca. Người lớn mỗi lần uống Đại hoàng sống sắc 24 - 30g, mỗi ngày 2 - 3 lần. Trừ 2 ca không khỏi, còn lại đều tốt. Thường sau 2 - 6 lần uống thuốc, bụng đau giảm rõ, triệu chứng nhiễm độc được cải thiện, phân máu mũi chuyển thành phân lỏng ( Chu Kiến Nghi, Tạp chí Trung y dược Phúc kiến 1985,1:36).

5.Trị tai biến mạch máu não: Bệnh viện Trung y Thành phố Tôn nghĩa trị 72 ca tai biến mạch máu não ( não xuất huyết 11 ca, nhũn não 61 ca có các triệu chứng bình quân 4 ngày không đại tiện, rêu lưỡi vàng nhớt hoặc khô. Dùng Đại hoàng 12g, Mang tiêu 10g (hòa uống), Chỉ thực ( hoặc Hậu phác 9g, Cam thảo 6g, sắc còn 200ml chia 2 lần uống, mỗi 2 giờ 1 lần, hôn mê gia An cung Ngưu hoàng hoàn 1 - 2 hạt. Thông thường uống 1 - 2 lần tỉnh, triệu chứng giảm, bệnh nhẹ hơn. Trong đó 18 ca hôn mê, sau uống thuốc tỉnh 10 ca, không thay đổi 8 ca ( Thang tống Minh, Tạp chí Trung tây y kết hợp 1983,1:19).

6.Trị chứng lipid huyết cao: dùng cồn chiết xuất Đại hoàng làm viên 0,25g dùng trị 47 ca, mỗi ngày sáng sớm uống 3 viên liên tục 3 tuần, kết quả tốt; số bệnh nhân tri glyceride và beta-lipoprotein cao đạt kết quả 76% (Tiêu đông Hải, Trung y dược tạp chí Thượng hải 1988,8:2).

7.Trị viêm gan vàng da cấp tính: tác giả dùng làm cao Đại hoàng trị 80 ca, người lớn dùng 50g, trẻ em 25 - 30g, sắc uống, ngày 1 lần, trung bình dùng 16g mỗi ngày. Kết quả hồi phục chức năng gan, cải thiện triệu chứng tốt, tỷ lệ có kết quả 95%, tốt 81,25% ( Ngô Tài Hiền, Tạp chí Trung tây y kết hợp 1984,2:88).

8.Trị viêm amidale có mủ cấp: mỗi ngày dùng Sinh Đại hoàng 15g, trẻ em 8-10g, dùng nước sôi 250ml (hãm uống nuốt dần), 2 giờ uống 1 lần, có thể uống 4 lần. Theo dõi 22 ca kết quả tốt, bình quân 2 - 4 ngày khỏi (Lâm văn Mỗ, Tạp chí Trung y dược Phúc kiến 1987,2:43).

Báo cáo của Tôn thị Diệc, mỗi ngày dùng Đại hoàng sống 6 - 9g hãm nước uống, 2 giờ sau lại hãm nước sôi thuốc đó uống lần nữa. Đã trị 40 ca viêm amidale có mủ ở trẻ em, kết quả tỷ lệ khỏi 85% ( Tôn Thiệu Danh, Tạp chí Trung tây y kết hợp 1987,11:695).

9.Trị chứng trường vị thực nhiệt táo bón:

  • Đại thừa khí thang ( Thương hàn luận): Đại hoàng 10 - 15g, Hậu phác 8g, Chỉ thực 8g, Mang tiêu 10g ( hòa uống).
  • Tiểu thừa khí thang ( Thương hàn luận): Đại hoàng 10 - 15g, Chỉ thực, Hậu phác đều 6 - 8g, sắc uống.
  • Điều vị thừa khí thang ( Thương hàn luận): Đại hoàng 10 - 15g, Mang tiêu 10g ( hòa uống), Cam thảo 3g, sắc uống.

Trong các bài thuốc trên, Đại hoàng cho vào sau, Mang tiêu tán bột hòa nước uống. Về tác dụng tẩy xổ thì bài Đại thừa khí thang mạnh nhất, bài Điều vị thừa khí thang có Cam thảo điều hoà nên tác dụng nhẹ hơn, lúc dùng tùy tình hình bệnh nhân mà chọn bài thuốc.

10.Trị các chứng thực hỏa nhiệt độc gây nôn ra máu, chảy máu cam, răng lợi sưng đau, mắt đỏ xung huyết.:

  • Tỳ tâm thang: Hoàng liên 6g, Hoàng cầm 10g, Đại hoàng 12g, sắc uống. Trị chứng thổ huyết, chảy máu cam, viêm màng tiếp hợp, răng lợi sưng đau.
  • Đại hoàng Mẫu đơn thang: Đại hoàng 10g, Mẫu đơn bì 12g, Đào nhân, Đông qua tử, Mang tiêu (hòa uống) đều 10g, sắc nước uống. Trị đại tiện táo bón, trường ung ( viêm ruột thừa).
  • Đại hoàng tán bột mịn trôïn dầu mè bôi vào chỗ bỏng, nhọt độc.

11.Trị chứng kinh bế huyết ứ đau bụng dưới, chấn thương do té ngã:

  • Hạ ứ huyết thang: Đại hoàng, Đào nhân đều 10g, Miết trùng 3g, sắc uống.
  • Đại hoàng, Đương qui lượng bằng nhau tán bột mịn, 10g x 2 lần/ngày, uống với rượu. Trị bong gân, ứ huyết đau do té ngã, trong uống ngoài xoa.

Liều lượng thường dùng và chú ý:

  • Liều: 5 -20g uống cho vào thuốc thang, thuốc tán giảm liều, dùng ngoài lượng vừa đủ.
  • Trường hợp khí huyết hư, không có tích trệ, ứ huyết không dùng.
  • Phụ nữ đang hành kinh, có thai và sau sanh không có ứ trệ, thận trọng lúc dùng hoặc kî dùng. Phụ nữ đang cho con bú hạn chế dùng vì có thể gây tiêu chảy cho đứa trẻ.

 

Nguồn tin: theo GS Trần Văn Kỳ - Dược học cổ truyền - Ảnh sưu tầm từ Internet

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Cám ơn

PHÚC TÂM ĐƯỜNG
Số: 4 B đường Phan Bội Châu, Phường 1, TP Tuy Hòa
Mail: Phuctamduong@gmail.com | ĐT: 0905 147 543

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây