Mô tả
Hạt hình thận, vỏ màu đen bóng có chiều dài 6 – 9 mm có chiều ngang từ 5 – 7 mm, chiều dẹt 3,5 – 6 mm. Rốn hạt màu sáng trắng nằm ở rốn. Trọng lượng hạt từ 100 – 115 mg. Hạt dễ vỡ thành 2 mảnh lá mầm. Đầu của 2 mảnh hạt có chứa 2 lá chồi, 1 trụ mầm.
Vi phẫu
Vỏ có 2 lớp tế bào mô cứng hình chữ nhật hoá gỗ, bên trong có các tế bào mô cứng, xuất hiện ống tiết hoá gỗ chứa chất tiết màu tím nâu. Bên trong chồi mầm và mỗi lá mầm chứa một lớp tế bào mô cứng hình chữ nhật, có hai lớp rốn hạt, một lớp tế bào trụ, 3 – 5 lớp tế bào mô mềm. Sát với lớp tế bào trụ là 2 – 3 bó libe hình vòng cung, tương ứng sát bó libe là các mạch gỗ nhỏ rải rác. Lá mầm có khoảng 4 – 5 bó libe, xen kẽ là bó gỗ hướng tâm. Tinh thể calci oxalat hình lăng trụ phân bố rải rác ở mô mềm. Các hạt tinh bột tập trung thành đám.
Bột
Mảnh mô mềm chứa các hạt tinh bột, thành tế bào màu đen. Hạt tinh bột m, rốn một vạch hay phân nhánh,mm, rộng 10 – 18 mhình thận dài 15 – 30 có vân tăng trưởng mờ. Rải rác có các mảnh mạch nhỏ.
Định tính
Lấy khoảng 1 g dược liệu, thêm 10 ml nước, đun sôi cách thủy trong 10 phút. Để nguội, lọc. Lấy 5 ml dịch lọc cho vào ống nghiệm. Thêm 1 ml dung dịch acid hydrocloric 10% (TT),dung dịch chuyển sang màu đỏ. Tiếp tục thêm 1 ml dung dịch natri hydroxyd 10% (TT), dung dịch chuyển sang màu xanh đen.
Protein toàn phần
Cân chính xác 0,2 g bột dược liệu đã xác định độ ẩm cho vào bình Kjeldarl rồi tiến hành “định lượng nitrogen trong hợp chất hữu cơ” (Phụ lục 10.9).
Song song tiến hành làm mẫu trắng.
Hàm lượng protein toàn phần được xác định theo công thức:
X%= x 100 x 100
Trong đó: a là thể tích dung dịch NaOH 0,1 N dùng để chuẩn độ mẫu trắng (ml).
b là thể tích dung dịch NaOH 0,1 N dùng để chuẩn độ mẫu thử (ml).
m là khối lượng mẫu thử tính bằng g.
d là hàm ẩm của mẫu định lượng.
0,0014 là hệ số tính chuyển lượng Nitơ tương ứng 1ml dung dịch acid sulfuric 0,1N.
5,07 là hệ số chuyển đổi nitrogen ra protein.
Dược liệu phải có hàm lượng protein không được dưới 25% tính theo dược liệu khô kiệt.
Độ ẩm
Không quá 10% (Phụ lục 9.6).
Kích thước hạt
Toàn bộ hạt đậu đen qua rây số 7000 (Đường kính rây mắt tròn 7 mm). Số lượng hạt đậu đen qua rây 5000 không vượt quá 25%. Tất cả các hạt đậu đen không qua rây số 4000.
Tro toàn phần
Không quá 4% ( Phụ lục 9.8).
Tro không tan trong acid
Không quá 0.15% ( Phụ lục 9.7).
Tạp chất
Không quá 0,1% (Phụ lục 12.11).
Độ sượng
Cân 50 g dược liệu cho vào cốc có dung tích 250 ml, đổ ngập nước, đun sôi cách thuỷ trong 60 phút. Lấy 100 hạt bất kỳ rồi bóp trên 2 đầu ngón tay, đếm số hạt không bóp được. Độ sượng không được vượt quá 8% (hạt/ hạt).
Xác định độ nhiễm côn trùng
Cân khoảng 65g dược liệu cho lên mặt sàng, nhúng cả sàng vào dung dịch chứa 10 g kali iodid (TT) và 5 g iod (TT) vừa đủ trong 500 ml nước. Tiếp đó nhúng cả sàng vào dung dịch kali hydroxyd 0,5% (TT). Lấy dược liệu ra khỏi sàng và rửa bằng nước lạnh trong 20 giây. Không được thấy vết đen hoặc lỗ đen trên bề mặt (không được nhiễm côn trùng).
Chế biến
Thu hoạch vào tháng 6 hoặc tháng 7 chọn những quả già vỏ đã ngả màu đen, đem phơi khô và đập tách lấy riêng hạt. Tiếp tục phơi khô hạt đến độ ẩm qui định.
Bào chế đạm đậu sị
Lấy đậu đen vo sạch, ngâm nước thường 1 đêm. Phơi qua rây cho ráo nước, đồ chín. Trải đều trên nong nia hoặc trên chiếc chiếu sạch, đợi ráo lấy lá chuối khô sạch ủ kín 3 ngày, khi thấy lên meo vàng đem phơi khô ráo, tưới nước cho đủ ẩm, cho vào thùng ủ kín bằng lá dâu. Khi lên meo vàng thì lấy ra phơi 1 giờ lại tưới nước và ủ như trên. Làm như vậy cho đủ 5 – 7 lần.
Cuối cùng đem chưng rồi phơi khô và cho vào bình đậy kín dùng trong các bài thuốc.
Bảo quản
Đóng trong thùng kín, để nơi khô mát tránh mốc mọt, côn trùng.
Tính vị, qui kinh
Cam, bình. Qui vào kinh thận.
Công năng, chủ trị
Trừ phong, thanh thấp nhiệt, lương huyết, giải độc, lợi tiểu tiện, tư âm, dùng bổ thận, sáng mắt, trừ phù thũng do nhiệt độc, giải độc.
Cách dùng, liều lượng
Ngày dùng 20 – 40 g, có thể hơn. Dùng để chế đậu sị và phụ liệu.
Kiêng kỵ
Tỳ vị hư hàn mà không nhiệt độc không dùng. Ghét Long đởm, Kỵ Hậu phác.
Đậu đen là loại cây được trồng phổ biến ở hầu hết các tỉnh phía Bắc nước ta. Do thành phần có nhiều chất bổ như glucid 53%, protein 24%, lipid 1,7%, các vitamin A, B
1, B
2, PP, C; giàu acid amin: lysin, tryptophan, phenylalanin, threonin, valin, leucin, isoleusin, arginin, histidin; Các nguyên tố vô cơ: Ca, P, Fe…nên đậu đen được sử dụng rộng rãi trong việc chế biến các thực phẩm bồi dưỡng sức khỏe và cũng là một loại dược liệu rất phổ biến trong y học cổ truyền.
Theo YHCT, đậu đen có vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ can thận, bổ huyết, trừ phong, thanh thấp nhiệt, hạ khí, lợi tiểu, giải độc, tiêu khát.
Một số cách dùng đậu đen làm thuốc:
- Trị đau bụng dữ dội: đậu đen 50g (sao hơi cháy), sắc nước uống hoặc ngâm rượu uống.
- Trị trúng phong: 300g đậu đen, sao cháy, ngâm rượu 1 ngày, uống.
- Trị tiểu đường: đậu đen, thiên hoa phấn đồng lượng, sắc uống, ngày 1 thang. Uống nhiều thang.
Để chữa bệnh, YHCT còn chế đậu đen thành các vị thuốc chuyên dụng như đậu quyển (semen praeparatus vignae) và đậu xị.
Đậu quyển là hạt đậu đen nảy mầm; khi mầm nhú lên và hơi cuộn lại (quyển), đem phơi khô, bảo quản trong lọ kín, tránh mốc mọt. Đậu quyển có vị ngọt, tính bình, vào kinh can, tỳ, vị với công năng thanh nhiệt giải thử, lợi thấp, thanh giải biểu tà. Đậu quyển dùng trị các chứng bệnh sau:
- Trúng thử (say nắng, say nóng): người choáng ngất, bất tỉnh hoặc thấp tà còn ở biểu, gây sưng đau toàn thân, khó thở hoặc cảm mạo phong nhiệt, biểu hiện sốt cao, đau đầu, hoa mắt; Có thể dùng riêng 20g đậu quyển sắc uống hoặc phối hợp với hoắc hương, bán hạ, trúc diệp, hoạt thạch mỗi vị 12g; uất kim, ý dĩ mỗi vị 8g; hạnh nhân 6g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần.
- Trị gân cơ co rút, gối đau nhức,
nóng dạ dày, táo bón: đậu quyển 500g, váng sữa bò hoặc sữa dê 30g, trộn đều, nghiền thành bột mịn, uống với nước ấm trước bữa ăn.
Đậu xị hay đạm đậu xị:được chế biến theo hai cách:
- Cách 1: đem đậu đen ngâm vào nước 1 đêm, lấy ra phơi khô se, đồ chín rồi đổ ra nia, lấy lá chuối khô đậy lên, ủ 3 ngày 3 đêm đến khi có lớp mốc màu vàng thì đem phơi khô. Tiếp tục ủ lần 2 bằng cách rưới nước vào cho ẩm, ủ như trên đến khi thấy mốc vàng, phơi khô. Và tiếp tục làm như vậy từ 5-7 lần. Sau đó đem đồ cách thủy đến chín rồi phơi khô.
- Cách 2: chế hàm đậu xị: đậu đen ngâm với nước muối 2 ngày, 2 đêm, cứ 1 kg đậu đen dùng 1 lít nước và 250g muối ăn. Vớt ra, đồ đến chín, sau đó đem đậu tẩm hết dịch nước muối ở trên. Tiếp tục giai đoạn ủ bằng cách rải đậu ra nia, đậy lá chuối khô 3 ngày 3 đêm cho đến khi thấy lớp mốc vàng thì trộn đều. Làm như vậy 9 ngày đêm, rồi phơi hay sấy đến khô kiệt.
Theo YHCT, đậu xị có vị đắng, cay, tính mát, quy kinh phế, vị với công năng giải biểu, trừ phiền, tuyên phát tà nhiệt.
Đậu xị dùng trị các chứng bệnh:
- Trị chứng ra nhiều mồ hôi sau khi nôn nhiều, dẫn đến người buồn bực, vật vã, mất ngủ: đậu xị 20g, chi tử 14 quả, sắc uống.
- Trị ho, hen, khí suyễn lâu ngày, mất ngủ: đậu xị 45g tán mịn, thần sa 4,5g (thủy phi) lấy bột mịn, bào chế thành viên hoàn, uống trong 2-3 ngày, mỗi ngày 2-3 lần.
- Thanh nhiệt giải độc, trị mụn nhọt, mẩn ngứa, dị ứng: đậu xị, cam thảo mỗi vị 20g; kim ngân hoa, liên kiều mỗi vị 40g; kinh giới tuệ, đạm trúc diệp mỗi vị 16g; bạc hà, cát cánh, ngưu bàng tử, mỗi vị 12g, sắc uống, ngày 1 thang, uống nhiều thang tới khi các triệu chứng thuyên giảm. Ngoài dùng làm thuốc, đậu đen còn được dùng làm phụ liệu trong việc chế biến thuốc cổ truyển để loại đi các thành phần gây tác dụng không mong muốn của thuốc đồng thời góp phần tăng thêm tác dụng bổ cho vị thuốc. Ví dụ chế hà thủ ô hoặc dùng đậu đen để giảm bớt tính độc của phụ tử…
Trong thực phẩm, đậu đen được chế biến thành nhiều món ăn - nước uống hấp dẫn như chè đỗ đen - một thứ giải khát mùa hè được mọi người ưa chuộng hoặc cháo bí đỏ đỗ đen vừa bổ dưỡng lại có tác dụng trị đau đầu, hoa mắt.