Rong biển mọc hoang khắp bờ biển nước ta, thường bám vào những dãy đá ngầm ven biển, nhiều nhất là ở vùng biển Vĩnh Linh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nam Hà, Thái Bình, Quảng Ninh.
Đến mùa hè thu hái rong biển đem về bỏ tạp chất, rửa sạch phơi cho héo cắt nhỏ phơi khô làm thuốc.
Tính vị qui kinh:
Hải tảo vị mặn, tính hàn, qui kinh Can, Vị, Thận.
Theo các sách thuốc cổ:
- Sách Danh y biệt lục: vị mặn không độc.
- Sách Dược tính bản thảo: mặn có độc ít.
- Sách Bản thảo tân biên: nhập Phế.
- Sách Bản thảo tái tân: nhập 2 kinh Phế Vị.
Thành phần chủ yếu:
Alginic acid, manitol, kali, iod, laminine, sargassan.
Theo sách Đỗ tất Lợi trong Hải tảo có từ 10 - 15% muối vô cơ (trong đó có rất nhiều iod 0,3 - 0,8% asen, kali); 1 - 2% lipid; 4 - 5% protid và nhiều algin hay alginic acid.
Theo sách Trung dược học thành phần có iod (Dương thê thái 0,03%, Hải khao tử 0,017%), acid Hải tảo, Hải giao tố (gelatine), manitol, amino acid, sắt. Kali.
Tác dụng dược lý:
A.Theo Y học cổ truyền:
Hải tảo có tác dụng; tiêu đàm nhuyễn kiên, lợi thủy tiêu phù.
Chủ trị các chứng: anh lựu, loa lịch (u bướu, lao hạch), cước khí phù thũng, thủy thũng.
Trích đoạn Y văn cổ:
- Sách Bản kinh: " chủ anh lựu khí, cảnh hạ hạch, phá tán kết khí, ung thũng, trưng hà kiên khí, phúc trung thượng hạ minh (sôi bụng), hạ khẩn thủy thũng".
- Sách Danh y biệt lục: " liệu bì gian tích tụ, bạo hối, lưu khí nhiệt kết, lợi tiểu tiện".
- Sách Dược tính bản thảo: " liệu sán khí hạ trụy đông thống, hạch thũng".
B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Thuốc có nhiều iod nên có tác dụng điều trị đối với bướu cổ do thiếu iod. Đồng thời cũng có tác dụng giảm nhẹ triệu chứng đối với chứng cường giáp nhưng không bền.
- Alginic acid và calci trong Hải tảo có tác dụng cầm máu khi chấn thương.
- Thuốc cho chuột cống được nuôi với chế độ cao cholesterol uống, nhận thấy cholesterol trong huyết thanh và trong tạng phủ đều hạ. Một số nghiên cứu khác cho thấy tác dụng hạ nhẹ cholesterol huyết thanh của chuột có dùng kèm alginic acid nhưng không phải là do tăng chế độ ăn cao cholesterol.
- Nước chiết xuất Hải tảo do tác dụng ức chế một số nấm gây bệnh ngoài da. Algenic acid không có tác dụng này.
- Tác dụng hạ áp: thuốc cho chó và thỏ gây mê uống với liều 0,75g/kg có tác dụng hạ áp. Thuốc nước chiết xuất có tác dụng hạ áp tốt hơn chiết xuất cồn.
- Thí nghiệm trên thỏ cho thấy Cam thảo không có tác dụng đối kháng với Hải tảo khi hai loại thuốc cùng dùng chung (Trong số 18 phản mà sách Thần nông bản thảo đề xuất có nói đến Cam thảo phản Cam toại, Đại kích, Nguyên hoa, Hải tảo).
Ứng dụng lâm sàng:
1.Trị thiếu máu não: Trong Hải tảo có thể chiết xuất một loại PSS tác dụng giống như Heparin, có tác dụng chống đông máu, làm giảm độ dính của máu, hạ lipid huyết và cải thiện vi tuần hoàn, dùng 1 - 2mg/kg, cho vào 500ml gluco 10%, nhỏ giọt tĩnh mạch ngày 1 lần, 10 ngày là 1 liệu trình. Tác giả đã theo dõi 288 ca, trong đó nhũn não 237 ca có kết quả 92%, còn dùng trị tắc mạch não cấp 251 ca, có kết quả 93,2% (Hàn trọng Nham, Tạp chí Thực dụng Nội khoa 1987,11:580)
2.Trị lao hạch:
- Hải tảo hoàn: Hải tảo 10g, Bạch cương tàm 5g đều sao tán thành bột, trộn với nước sắc quả mơ (Bạch mai) làm hoàn chia 2 lần uống.
3.Trị bướu cổ:
- Hải tảo tán nhỏ dập thành viên Iotamin (chứa 50 - 70microgam iod/viên), ngày dùng 2 - 4 viên trong 3 - 5 tháng.
4.Trị lở ngứa ngoài da:
- Hải tảo 16g, Liên kiều 12g, Ngưu bàng 8g, Côn bố 8g, Hạ khô thảo, Nga truật đều 8g, Tam lăng 4g (hoặc thay củ Cói), Trần bì, Bán hạ đều 2g, nước 600ml sắc còn 300ml uống 2 lần trong ngày.
Liều lượng thường dùng và chú ý:
- Liều: 10 - 15g uống.
- Theo các sách cổ thì Hải tảo phản Cam thảo nhưng chưa có tài liệu nghiên cứu xác minh, còn Côn bố có tài liệu nghiên cứu dùng chung với Cam thảo không có phản tác dụng.