Cây Hoắc hương được trồng nhiều ở miền Bắc nước ta, lấy lá và cành làm thuốc. Tại các nước vùng châu Á và châu Phi. Hoắc hương được trồng rất qui mô để cất lấy tinh dầu. Những nước sản xuất Hoắc hương hiện nay là Ấn độ, Malasia, Philippin, Malgat, Indonesia, Trung Quốc cũng có Hoắc hương khắp nơi nhưng nhiều ở các tỉnh Triết Giang, Giang Tô. Tính vị qui kinh:
Vị cay, tính hơi ôn. Qui kinh Tỳ, Vị, Phế.
Theo các sách thuốc cổ:
- Sách Danh y biệt lục: hơi ôn.
- Sách Lôi công bào chế dược tính giải: vào 3 kinh Phế Tỳ Vị.
Thành phần chủ yếu:
Herba Agastaches, Methylchavicol, anethole, anisaldehyde, d-limonene, p-methoxycinnamaldehyde, a-pinene, 3-octanol, p-cymene, 1-octen-3-ol, linalool, beta-humutene,a-ylangene, beta-famesene.
Herba pogostemi-pachouli alcohol, benzaldehyde, eugenol, cinnamic aldehyde pogostol, patchoulipyridine, epiguaipyidine, caryophyllene, beta elemene, alloaromadrene, gamma-patchouleme, beta-gurujunene, a-guaiene balencene, a-gurjunene, gamma-cadinnene, delta-guaiene, a-patchoulene, calamenene.
Tác dụng dược lý:
A.Theo Y học cổ truyền:
Hoắc hương có tác dụng: hóa thấp giải biểu tiêu thử, chỉ ẩu (cầm nôn), trị tiên (chàm).
Chủ trị các chứng: thấp trở trung tiêu, thử thấp, thấp ôn, nôn mửa, chàm lở tay chân (thủ tiên, cước tiên).
Trích đoạn Y văn cổ:
- Sách danh y biệt lục: " khử ác khí liệu hoắc loạn, chỉ thống".
- Sách Bản thảo đồ kinh: " trị tỳ vị thổ nghịch là thuốc chủ yếu nhất".
- Sách Dược phẩm hóa nghĩa - khí dược: " Hoắc hương khí thơm, thiện hành vị khí, lấy đó để điều trung, trị ẩu thổ hoắc loạn, lấy đó để thoái khí, trừ uế ác bỉ muộn. Hoắc hương có thể hòa hợp Ngũ tạng, nếu tỳ vị bất hòa dùng thuốc trợ vị để tăng ẩm thực, thuốc có tác dụng tĩnh tỳ khai vị. Vị cay có thể thông lợi cửu khiếu, nếu có lam chướng thời dịch dùng thuốc Hoắc hương để không cho ngoại tà xâm nhập cơ thể, thuốc có tác dụng giữ chính khí".
B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Quảng Hoắc hương có tác dụng kháng khuẩn rộng: thuốc có tác dụng ức chế các loại nấm gây bệnh, leptospirosis, tụ cầu khuẩn, trực khuẩn mủ xanh, enterocoli, trực khuẩn lî, liên cầu khuẩn tán huyết týp A, phế song cầu khuẩn, rhinovirus. Thuốc còn có tác dụng chống thối.
- Tinh dầu Hoắc hương tăng tiết dịch dạ dày, tăng tiêu hóa.
Ứng dụng lâm sàng:
1.Trị chứng ngoại cảm hàn thấp: đau đầu, tức ngực, bụng đầy, tiêu chảy phân lỏng, hoặc nôn, buồn nôn (viêm đường ruột cấp biểu hàn nội thấp).
- Bài Hoắc hương chính khí tán (Hòa tể cục phương): Hoắc hương, Đại phúc bì, Phục linh, Khương Bán hạ đều 10g, Bạch chỉ, Tô tử, Hậu phác, Cát cánh, Sinh khương đều 6g, Trần bì 5g, Cam thảo 3g, Đại táo 10g, sắc uống.
- Hoắc hương, Bội lan đều 10g sắc uống. Trị thương thử mùa hè, nặng đầu, ngực tức, buồn nôn, không thích ăn.
2.Trị chứng nôn do thấp hàn bên trong:
- Hoắc hương Bán hạ thang: Lá Hoắc hương, Chế Bán hạ, Trần bì đều 10g, Đinh hương 2g, sắc uống.
- Hoắc hương, Chế Bán hạ đều 10g, Thương truật, Trần bì đều 6g, sắc uống. Trị viêm đường ruột cấp thể hàn thấp.
- Hoắc hương ẩm: Lá Hoắc hương, Đảng sâm, Xích Phục linh, Thương truật, Hậu phác đều 10g, Trần bì 5g, Bán hạ 5g, Cam thảo 3g, Gừng tươi 3 lát, sắc uống nóng.
3.Trị đau bụng do tỳ vị khí trệ:
- Hoắc hương, Hậu phác, Mộc hương, Chỉ thực đều 10g, Sa nhân 5g, Trần bì 3g, sắc uống.
4.Trị viêm mũi, viêm xoang mũi mạn:
- Hoắc hương 120g tán bột, gia Mật heo vừa đủ làm hoàn (Hắc đởm hoàn) mỗi lần uống 3g, ngày 2 lần với nước sôi ấm, dùng liền trong 2 - 4 tuần.
5.Trị chàm lở (chàm tay chân):
- Hoắc hương độc vị hoặc phối hợp với Đại hoàng, Hoàng tinh, Tao phàn đều tán bột trộn đều, ngâm giấm 1 tuần bỏ xác. Ngâm tay chân đau vào trong nước thuốc, ngày 1 lần 30 phút.
6.Trị ăn uống không tiêu, sôi bụng:
- Hoắc hương, Thạch xương bồ, Hoa cây Đại đều 12g, vỏ Bưởi đào đốt cháy 6g. Tất cả tán nhỏ, mỗi lần 2g uống trước bữa ăn 20 phút với nước nóng, ngày uống 3 lần.
Hoắc hương là vị thuốc trị nôn có hiệu nghiệm nhưng phải tùy chứng mà gia vị như thấp nhiệt gia Hoàng liên, Trúc nhự; Tỳ vị hư gia Đảng sâm, Cam thảo; nôn do thai nghén gia Bán hạ, Sa nhân.
Liều lượng thường dùng và chú ý:
- Liều uống ( cho vào thuốc thang, cao, hoàn tán): 5 - 10g.
- Dùng tươi lượng gấp đôi, có thể hãm nước sôi uống.