Tính vị qui kinh:
Vị ngọt nhạt, tính hàn, qui kinh Vị, Bàng quang.
Theo các sách thuốc cổ:
- Sách Bản kinh: vị ngọt tính hàn.
- Sách Bản thảo kinh sơ: vị ngọt nhạt khí hàn, không độc.
- Sách Lôi công bào chế dược tính giải: nhập 2 kinh vị, bàng quang.
Thành phần chủ yếu:
Thành phần của Hoạt thạch là Magiê silicat: Mg(Si4O10)(OH)2 hoặc 3MgO,4SiO2H2O. Tỷ lệ MgO trong đó là 31,7%,SiO2 là 63,5%, H2O là 4,8%. Ngoài ra còn có tạp chất Fe,Na,K,Ca,Al.
Tác dụng dược lý:
A.Theo Y học cổ truyền:
Hoạt thạch có tác dụng: thanh nhiệt lợi thấp, thanh thử thấp, dùng ngoài thuốc có tác dụng thanh nhiệt táo thấp.
Chủ trị các chứng lâm, thử thấp, thấp ôn, chàm lở, rôm sảy.
Trích đoạn Y văn cổ:
- Sách Bản kinh: " chủ thân nhiệt tả, tích (báng ở bụng), nữ tử nhũ nan (phụ nữ ít sữa), trừ hàn nhiệt tích tụ ở vị, ích tinh khí".
- Sách Bản kinh mông toàn: " Hoạt thạch trị khát, lợi khiếu, thãm trừ thấp nhiệt, tỳ khí điều hòa mà khát tự khỏi. Nếu trời lạnh thấp nhiều, bệnh nhân tiểu tiện ít mà khát, dùng Hoạt thạch thì khát tự hết. Nếu không có thấp, tiểu thông lợi mà khát tức là bên trong có táo nhiệt, táo thì tư nhuận mà không nên dùng vì càng làm mất tân dịch khát nặng thêm".
- Sách Y học trung trung tham tây lục: " nếu dùng cùng với bột Cam thảo trị cảm thử và nhiệt lî tốt, nếu uống cùng bột giá thạch trị chứng thổ huyết, nục huyết do nhiệt tốt. Trường hợp bệnh nhân bên trong có thấp nhiệt, toàn thân phù, tâm phúc đầy trướng, tiểu tiện khó, dùng Hoạt thạch hợp với Thổ cẩu (lẫu cô) tán bột uống, tiểu tiện được thông lợi, phù trướng tự tiêu".
B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Bột Hoạt thạch hạt nhỏ tổng bề mặt lớn nên hút đưọc liều lượng lớn chất độc và các chất hóa học kích thích bảo vệ được niêm mạc và da. Dùng uống thuốc có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày ruột bị viêm nên cầm nôn và tiêu chảy, hạn chế được sự hấp thu chất độc của ruột.
- Độc tính của thuốc: Người ta có nhận xét thấy Hoạt thạch có thể kích thích gây mọc những u hạt ở đường ruôït và âm đạo. Có người quan sát thấy dùng bột Hoạt thạch trong sử dụng dụng cụ tránh thai và làm thuốc xoa âm đạo thường xuyên tỷ lệ phát sinh ung thư buồng trứng gấp 3 lần so với người không dùng.
Ứng dụng lâm sàng:
1.Trị viêm đường tiết niệu: thuốc có tác dụng thanh nhiệt lợi tiểu thông lâm.
- Hoạt thạch tán: Hoạt thạch 20g, Đông quì tử 12g, Xa tiền tử 15g, Thông thảo 10g, sắc nước uống. Chủ trị nhiệt lâm, trường hợp sạn tiết niệu gia thêm Kim tiền thảo, Hải kim sa, Thạch vỹ.
- Bát chính tán (Hòa tễ cục phương): Hoạt thạch, Mộc thông, Cù mạch, Xa tiền tử, Biển súc, Sơn chi tử, Đại hoàng, Chích thảo lượng bằng nhau. Tất cả tán bột mịn, mỗi lần uống 6 - 12g, với nước sắc Đăng tâm. Bài thuốc chủ yếu trị chứng lâm thể thực nhiệt bao gồm các bệnh viêm, sạn tiết niệu, viêm cầu thận, viêm bể thận cấp. Trường hợp tiểu ra máu gia Tiểu kế, Hạn liên thảo, Bạch mao căn; nếu có sạn gia Hải kim sa, Kim tiền thảo, Kê nội kim.
2.Trị tiêu chảy do thấp nhiệt:
- Gia vị Thiên thủy tán: Hoạt thạch 20g, Cam thảo 10g, Sơn dược 40g, sắc nước uống.
- Lục nhất tán (Thương hàn tiêu bản): Hoạt thạch 6 phần, Cam thảo 1 phần. Theo tỷ lệ trên thuốc tán bột mịn trộn đều, mỗi lần uống 6 - 12g với nước sôi nguội hoặc nước cơm cháo. Thuốc có thể dùng với thuốc thang tùy tình hình bệnh lý gia giảm có kết quả tốt. Thuốc có thể trị chứng sốt khát nước về mùa hè oi bứt kết quả tốt.
3.Trị chứng thấp chẩn, chàm lở, mụn nhọt, rôm sảy:
- Lục nhất tán: trong uống ngoài thoa.
- Bột Hoạt thạch 10g, Bạc hà, Bạch chỉ đều 4g tán bột mịn trộn đều bao vải xoa ngoài. Trị rôm sảy mùa hè.
Ngoài ra có tác giả báo cáo dùng bài sau trị sạn mật, ghi lại để tham khảo:
Bài thuốc có: Bột Hoạt thạch 20g, bột Hỏa tiêu 10g, bột Uất kim 6g, bột Bạch phàn 4,5g, bọt Cam thảo 3g trộn đều. Mỗi lần uống 4g, ngày 2 lần liên tục trong 2 tuần đến khi hết triệu chứng.
Liều thường dùng:
- Liều: 10 - 15g, bọc vải sắc. Dùng ngoài tùy bệnh lý.
- Chú ý: Tỳ khí hư nhược, tinh hoạt và bệnh nhiệt tổn thương tân dịch, cần thận trọng hoặc không dùng.