Mô tả: Cây thảo cao chừng 1m trở lên, có thân xốp. Thân rễ to, nạc. Lá mọc so le, có bẹ. Lá non thường mọc thành một đường xoắn ốc, mặt dưới của lá có lông mịn. Cụm hoa ở thân mang nhiều hoa màu trắng, có lá bắc màu đỏ. Quả nang chứa nhiều hạt đen.
Bộ phận dùng: Thân rễ -
Rhizoma Costi Speciosi.
Nơi sống và thu hái: Cây của vùng Ấn Ðộ, Malaixia, mọc hoang ở nhiều nơi trong các lùm bụi, trên các gò đất, chỗ đất ẩm mát. Có thể trồng bằng đoạn thân, mầm của thân, thân rễ và hạt. Thu hái thân rễ vào mùa thu, rửa sạch, tỉa bớt rễ, thái nhỏ, đồ chín và phơi khô.
Thành phần hóa học: Trong thân rễ có chủ yếu là các hydrat cacbon, các chất albuminoid. Từ rễ khô chiết được các chất diosgenin, tigogenin và một số saponin khác. Thân rễ Mía dò có thể là một nguồn chiết xuất diosgenin.
Tính vị, tác dụng: Vị chua, đắng, cay, tính mát, hơi có độc; có tác dụng lợi thuỷ tiêu thũng, giải độc, chẩn dương. Ở Ấn Ðộ, rễ cây được xem như có tác dụng xổ, lọc máu, kích thích, bổ, trừ giun.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường dùng chữa:
1. Viêm thận thuỷ thũng, xơ gan;
2. Cổ trướng và viêm nhiễm đường tiết niệu;
3. Ho gà;
4. Giảm niệu;
5. Ðái buốt, đái dắt;
6. Cảm sốt, môi rộp, khát nước nhiều.
Liều dùng: 3-10g có thể đến 8-16g sắc uống, có thể nấu cao uống. Thân rễ được dùng ngoài trị bệnh mày đay, mụn nhọt sưng đau và viêm tai giữa. Có thể giã nhỏ đắp sưng tấy hoặc nấu nước tắm rửa trị mẩn ngứa.
Ở Ấn Ðộ, người ta còn dùng rễ trị rắn cắn. Có nơi nhân dân dùng cành lá tươi đem nướng, vắt lấy nước hay giã lấy nước chữa đau tai, đau mắt.
Đơn thuốc:1. Viêm thận phù thũng cấp: Dùng 15g Mía dò đun sôi uống.
2. Eczema, mày đay: Nấu nước Mía dò với lượng vừa đủ để xoa, rửa.