Cây Mơ mọc hoang hay được trồng nhiều tại các tỉnh miền Bắc nước ta như Sơn Tây, Hà Nam, Ninh Bnh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Acmenia cũng có cây Mơ.
Tính vị qui kinh:
Ô mai vị chua, tính bình, qui kinh Can Tỳ Phế Đại tràng.
Theo các sách cổ:
- Sách Bản kinh: vị chua bình.
- Sách Danh y biệt lục: không độc.
- Sách Nhật hoa tử bản thảo: tính noãn ( ấm), không độc.
- Sách Lôi công bào chế dược tính giải: nhập 2 kinh Phế Thận.
- Sách Bản thảo kinh sơ: nhập Can.
- Sách Dược phẩm hóa nghĩa: nhập 3 kinh Phế, Vị, Đại tràng.
Thành phần chủ yếu:
Citric acid, malic acid, succinic acid, sitosterol.
Tác dụng dược lý:
A.Theo Y học cổ truyền:
Ô mai có tác dụng liễm phế, sáp tràng, sinh tân, an hồi.
Chủ trị các chứng: ho lâu ngày do phế hư ( phế hư cửu khái), chứng tiêu chảy và lî kéo dài ( cửu tả, cửu lỵ, mồm khát do hư nhiệt ( hư nhiệt khẩu khát), chứng đau bụng do lãi đũa ( hồi quyết phúc thống).
Trích đoạn Y văn cổ:
- Sách Bản kinh: " hạ khí, trừ nhiệt phiền mãn, an tâm, chỉ chi thể thống ( trị đau tay chân), chứng chân tay tê dại không cử động được ( thiên khô bất nhân, tử cơ), trị nốt ruồi, làm tiêu thịt thối ( Khu thanh hắc trí thực ác nhục).
- Sách Danh y biệt lục: " khứ tý lợi cân mạch, chỉ hạ lî mồm khô".
- Sách Bản thảo cương mục: " liễm phế sáp tràng, chỉ cửu thâu tả lî, phản vị ế cách, tiêu thũng sưng đàm".
B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Trên thực nghiệm súc vật chứng minh Ô mai làm tăng khả năng miễn dịch của cơ thể.
- Ô mai có tác dụng ức chế ruột cô lập của thỏ. Cổ phương Ô mai hoàn làm thư giãn cơ Oddi và tăng tiết mật.
- Nước sắc Ô mai có tác dụng ức chế nhiều loại vi khuẩn gây bệnh như tụ cầu khuẩn ( tụ cầu vàng), liên cầu khuẩn viêm phổi, trực khuẩn bạch hầu, trực khuẩn salmonella typhi, shigella sonnei cùng nhiều loại trực khuẩn khác và một số nấm gây bệnh.
- Tác dụng chống dị ứng: Trên súc vật thí nghiệm, nước sắc Ô mai có tác dụng giảm tỷ lệ tử vong của chuột lang gây choáng bằng chất albumin.
- Tác dụng chống ung thư: in vitro Ô mai có tác dụng ức chế trên 90% ung thư cổ tử cung ( ở người) loại JTC26.
Ứng dụng lâm sàng:
1.Trị trĩ nội: Lục Đức Viêm dùng Ô mai chế thành thuốc chích ( mỗi ml có hàm lượng 0,4g thuốc sống, mỗi lần dùng 5 - 10ml, không quá 30ml tối đa), cho bệnh nhân nằm nghiêng, gây tê vô trùng, cho búi trĩ ra ngoài hậu môn, chích vào trung tâm búi trĩ vào tầng dưới niêm mạc cho đến khi búi trĩ thay màu. Đã trị các loại nội trĩ, trĩ hỗn hợp 110 ca kết quả tốt ( Tạp chí Trung y Giang tô 1980,5:29).
2.Trị viêm gan do virus : Ô mai 40 - 50g ( trẻ em giảm liều) gia 500ml nước sắc đặc còn 250ml chia 2 lần uống ngày 1 thang, đồng thời uống thêm vitamin C và B. Đã trị 74 ca, 66 ca kết quả tốt, có kết quả 7 ca, không kết quả 1 ca, thuốc có tác dụng hạ men transaminasa, hết vàng da và cải thiện triệu chứng lâm sàng ( Từ Tuyền, Tạp chí Trung tây y kết hợp 1986,11:694).
3.Trị tiêu chảy trẻ nhỏ: Mã nghiệp Canh dùng:
- trẻ em dưới 1 tuổi: Ô mai 1g, Bicarbonate Natri 0,25g.
- trẻ em trên 1 tuổi: Ô mai 1,5g, Bicarbonate Natri 0,25g.
Uống ngày 3 lần, mỗi lần liều lượng như trên, 3 ngày là 1 liệu trình. Đã trị 67 ca, khỏi 65 ca, tốt 1 ca, không kết quả 1 ca, tỷ lệ kết quả 98,5% ( Tạp chí Trung tây y kết hợp 1988,6:566).
4.Trị tiêu chảy khát nước:
- Ngọc huyền hoàn ( Cổ phương): Ô mai, Thiên hoa phấn, Cát căn, Hoàng kỳ, Mạch môn đều 10g, Cam thảo 3g, luyện mật làm hoàn, mỗi lần uống 6g, ngày 2 lần, hoặc sắc nước uống.
5.Trị ho lâu ngày:
- Ô mai cao: Ô mai lượng vừa đủ nấu thành cao, mỗi tối uống với mật ong trước khi ngủ. Thuốc có tác dụng trị ho lâu ngày, người mệt mõi.
- Nhất phục tán: Ô mai, Hạnh nhân, Bán hạ, A giao ( hòa uống), Sinh khương đều 10g, Cù túc xác 5g, Tô diệp 6g, Cam thảo 3g, sắc uống.
6.Trị kiết lî:
- Cố tràng hoàn: Ô mai, Nhục đậu khấu, Thương truật, Phục linh, Đảng sâm đều 10g, Cù túc xác 5g, Mộc hương 5g, Cam thảo 3g làm thành hoàn, mỗi lần uống 6g, ngày 2 lần hoặc sắc uống. Trị kiết lỵ lâu ngày: Ô mai 2 - 3 quả thêm nước vào đun sôi 15 phút, dùng uống thay nước trong ngày. Trị kiết lỵ, khát nước.
7.Trị giun lãi: đau bụng hoặc nôn ra lãi đũa.
- Ô mai hoàn ( cổ phương): Ô mai, Phụ tử, Đương qui, Đảng sâm đều 10g, Hoàng liên, Hoàng bá, Can khương, Xuyên tiêu đều 5g, Quế chi 6g, Tế tân 3g, tán bột mịn luyện mật làm hoàn, mỗi lần uống 6g, ngày 2 lần hoặc sắc uống. Trị nôn ra lãi, lãi chui ống mật, đau bụng do lãi đũa.
- Ô mai, Binh lang, Khổ luyện căn bì, Sử quân tử đều 10g, sắc uống. Trị giun chui ống mật.
- Ô mai, Đại hoàng, Mang tiêu, Binh lang, Chỉ thực, Khổ luyện căn bì đều 10g, Mộc hương, Can khương đều 5g, Tế tân 3g, sắc uống. Trị đau bụng do giun gây tắt.
- Ô mai 2 qủa thêm 300ml nước, đun sôi 15 phút, cho đường đủ ngọt, uống tối trước lúc ngủ. Trị giun chui ra mồm mũi.
8.Trị băng huyết:
- Ô mai 7 quả thiêu tồn tính, tán nhỏ chia làm 3 lần uống trong ngày, dùng nước cơm chiêu thuốc.
Ngoài ra người ta còn dùng nước cất hạt mơ ( có độc) để trị ho, nôn, đau dạ dày. Mỗi lần uống 0,5 - 2ml, liều tối đa cả ngày 6ml. Dầu hạt mơ làm thuốc bổ, thuốc nhuận tràng, liều 5 - 15ml dùng dưới hình thức thuốc sữa, dầu hạt mơ còn dùng làm thuốc bôi trừ nẽ da, bôi tóc cho trơn và bóng. Rượu mơ dùng làm thuốc bổ giúp ăn ngon cơm, đỡ khát nước. Có thể pha nước uống giải khát, ngày uống 30 - 60ml.
Cách chế rượu mơ: mơ chín mua về rửa sạch, đẻ ráo nước cho vào bình kín. Cứ 1 cân mơ cho thêm 1 lít rượu 50 độ, ngâm trong thời gian 1 tháng trở lên, gạn lấy rượu, thêm vào bã còn lại 1 lít rượu 50 độ mới, lại ngâm từ 1 tháng trở lên, gạn lấy rượu, những quả mơ còn lại có thể ướp muối làm ô mai.
Liều lượng dùng và chú ý:
- Liều thường dùng: 10 - 30g cho vào thuốc sắc. Dùng ngoài theo yêu cầu, tán nhỏ đắp ngoài. Trường hợp dùng cầm máu, trị tiêu chảy, nên sao cháy.
- Chú ý: thuốc có tác dụng thu liễm nên không dùng độc vị trong trường hợp có thực nhiệt tích trệ.