PHÒNG PHONG

Chủ nhật - 30/08/2015 16:17

.

.
PHÒNG PHONG ( Radix Ledebouriellae Sesloidis) Phòng phong dùng rễ làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Bản kinh. Có nhiều loại phòng phong như Xuyên phòng phong, Thiên phòng phong ( Đông phòng phong, Bàng phong), Văn phòng phong ( Trúc diệp phòng phong) và nhiều loại khác thuộc họ Hoa tán ( Umbelliferae) nên khi nghiên cứu cần được chú ý. Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm III - Phát tán phong thấp.

Tính vị qui kinh: Vị cay ngọt, hơi ôn. Qui kinh Bàng quang, Can, Tỳ.
Theo các sách cổ:
  • Sách Bản kinh: “ngọt, ôn”.
  • Sách Dược phẩm hóa nghĩa: “ Khí hòa, vị ngọt hơi cay, tính hơi ôn”.
  • Sách Bản thảo tái tân: “ Vị cay, tính bình không độc”.
  • Sách Trân châu nang: “ Thái dương kinh bản dược”.
  • Sách Thang dịch bản thảo: “ Túc dương minh vị, túc thái âm tỳ nhị kinh chi hành kinh dược”.
  • Sách Bản thảo tái tân: “ nhập Can Tỳ Thận tam kinh”.
Thành phần chủ yếu: manitol, phenol.
Tác dụng dược lý:
  1. Theo Y học cổ truyền: Thuốc có tác dụng khư phong giải biểu, thắng thấp chỉ thống, giải kinh ( chống co giật). Chủ trị các chứng ngoại cảm phong hàn hoặc phong nhiệt biểu chứng, phong chẩn ngứa, chứng phong hàn thấp tý, chứng kinh phong co giật do bệnh uốn ván.
Trích đoạn Y văn cổ:
  • Sách Bản kinh: “ chủ đại phong đầu huyễn thống ( đau đầu, chóng mặt), mắt mù ( mục manh vô sở kiến), phong hành chu thân, cốt tiết đông thống”.
  • Sách Bản thảo kinh sơ: “ Phòng phong là vị thuốc trị phong thông dụng, thăng phát nhi năng tán, chủ chứng đại phong đầu huyễn thống, ố phong phong tà, chu thân cốt tiết thống tý, hiếp thống, chân tay co rút… chủ trị chứng mắt không thấy do trúng phong tà. Khu phong táo thấp trị chứng tý…”.
  • Sách Bản thảo hội ngôn: “ Phòng phong là thuốc tán phong hàn thấp tý, chủ trị các chứng phong, chu thân bất toại, chứng đau các khớp, chân tay co rút, chứng động kinh… Thuốc cùng Xuyên khung, Bạch chỉ đi lên trị phong tại đầu mắt; cùng dùng với Khương hoạt, Độc hoạt đi xuống trị phong tại lưng gối; cùng với Đương qui trị huyết phong; cùng với Bạch truật trị tý phong; cùng với Tía tô, Ma hoàng trị hàn phong; cùng với Cầm Liên trị nhiệt phong; cùng với Kinh giới, Hoàng bá trị trường phong; cùng với Nhũ hương, Quế chi trị thống phong. Người lớn trúng phong, trẻ em động kinh, phòng phong đều dùng được”.


 
  1. Kết quả nghiên cứu hiện đại:
  • Thuốc sắc và thuốc ngâm kiệt trên thỏ nhà thực nghiệm đều có tác dụng hạ sốt rõ mà thuốc sắc tốt hơn.
  • Cồn thuốc có khả năng nâng ngưỡng đau của chuột bằng đường uống hoặc đường chích.
  • Thuốc có tác dụng kháng viêm và chống co giật.
  • Thuốc có tác dụng chống dị ứng và nâng cao miễn dịch của cơ thể.
  • Thuốc có tác dụng kháng khuẩn đối với tụ cầu vàng và trực khuẩn mủ xanh, ức chế nấm phát triển trong ống nghiệm.
Ứng dụng lâm sàng:
  1. Trị các chứng ngoại cảm phong hàn, phong nhiệt, phong thấp thường kết hợp với các thuốc tán hàn như Kinh giới, Gừng… để chữa cảm hàn; kết hợp với thuốc giải nhiệt như Kim ngân hoa, Cát căn, Sài hồ, Bạc hà để chữa chứng cảm nhiệt; kết hợp thuốc trừ thấp để chữa chứng phong thấp như Độc hoạt, Tần giao, Tang ký sinh…
Những bài thuốc có thể dùng như:
+ Bài 1: Phòng phong 10g, Bạch chỉ 12g, Xuyên khung 8g, Kinh giới 8g, Hạnh nhân 10g, Gừng tươi 2 – 3 lát. Sắc uống trị chứng cảm phong hàn, ho, đau đầu, đau mình.
+ Bài 2: Phòng phong 10g, Sài hồ, Kim ngân hoa 12g, Kinh  giới 8g, Liên kiều 8g, Cát căn 10g, Hoàng cầm 12g, Cam thảo 4g, sắc uống trị chứng cảm phong nhiệt, sốt ho, đau đầu, mạch sác…
+ Bài 3: Phòng phong 12g, Độc hoạt 10g, Tang ký sinh 12g, Tần giao 12g, Chế hương phụ 8g, Xuyên khung 8g, Hà thủ ô 12g, Quế chi 8g. Sắc uống trị chứng cảm phong thấp đau mình mẩy và các cơ khớp.
  1. Trị đau nửa đầu thường kết hợp với Bạch chỉ, Xuyên khung có thể dùng bài thuốc kinh nghiệm sau: Phòng phong, Bạch chỉ, lượng bằng nhau tán nhỏ hòa với mật viên bằng quả táo, mỗi lần ngậm 1 viên với nước chè.
  2. Trị ngứa: Đông y cho ngứa là do phong, thường dùng chữa ngứa do dị ứng có kết quả tốt, trên lâm sàng thường dùng kết hợp với các thuốc trị phong khác như Kinh giới, Bạc hà, Kim ngân hoa…
  3. Trị chứng kinh phong: Do ngoại phong sinh chứng co giật như bệnh uốn ván ( Phong đòn gánh, Phá thương phong), cổ phương thường dùng bài Ngọc chân tán ( Ngoại khoa chính tông) gồm: Nam tinh, Phòng phong, Bạch chỉ, Thiên ma, Khương hoạt, Bạch phụ tử lượng bằng nhau tán bột mịn. Mỗi lần uống 6 -12g chế với rượu nóng để uống.
  4. Trị đau bụng tiêu chảy: trường hợp tiêu chảy kèm đau bụng, sôi bụng. ( Đông y cho là tiêu chảy do phong thấp ( phong tả) dùng bài cổ phương Thống tả yếu phương ( Cảnh nhạc toàn thư) gồm Bạch truật 12g, Bạch thược 12g, Phòng phong 8g ( sao), Trần bì sao 6g, sắc uống dùng có kết quả đối với chứng tiêu chảy do tỳ hư kiêm ngoại cảm phong hàn.
  5. Bài thuốc kinh nghiệm chữa chứng mồ hôi trộm lúc ngủ: Phòng phong 80g, Xuyên khung 40g, Nhân sâm 20g ( có thể dùng Đảng sâm) tán nhỏ trộn đều, mỗi lần trước khi ngủ uống 10 -12g bột thuốc.
Liều lượng thường dùng: 4 -12g.
Chú ý lúc dùng thuốc: Trường hợp huyết hư sinh phong hoặc nhiệt cực sinh phong ( co giật) không dùng. Dùng thận trọng đối với chứng âm hư hỏa vượng.

Nguồn tin: theo GS Trần Văn Kỳ - Dược học cổ truyền - Ảnh sưu tầm từ Internet

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Cám ơn

PHÚC TÂM ĐƯỜNG
Số: 4 B đường Phan Bội Châu, Phường 1, TP Tuy Hòa
Mail: Phuctamduong@gmail.com | ĐT: 0905 147 543

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây