TÔ MỘC

Thứ ba - 15/12/2015 04:03

.

.
TÔ MỘC ( Lignum Sappan) Tô mộc còn có tên là Gỗ vang, Tô phương mộc là gỗ phơi khô của cây Gỗ vang Caesalpinia sappan L. thuộc họ Vang (Caesalpiniaceae) dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Tân tu bản thảo. Theo Danh mục thuốc thiết yếu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu lần VI thuộc nhóm XVII - Hoạt huyết khứ ứ.

Cây Tô mộc mọc hoang và được trồng nhiều nơi ở nước ta làm thuốc nhuộm gỗ và làm thuốc uống.

Tính vị qui kinh:

Vị ngọt, mặn, hơi cay, tính bình. Qui kinh Tâm, Can, Tỳ.

  • Sách La thị Hội dược y kinh, tập 17: " Vị ngọt, cay mặn, hơi ôn".
  • Sách Bản thảo cương mục, tập: " Tô phương mộc: tam âm kinh, huyết phần".
  • Sách Bản thảo kinh sơ: "nhập túc quyết âm, thủ thiếu âm, túc dương minh kinh".
  • Sách Dược phẩm hóa nghĩa: " nhập Can, Vị, Đại tràng".

Thành phần chủ yếu:

Trong Tô mộc có Brasilin, brasilein, sappanin, D-alpha-phellandrene, ocimene, tanin, acid galic, tinh dầu.

Tác dụng dược lý:

A.Theo Y học cổ truyền:

Tô mộc có tác dụng: " Hoạt huyết thông kinh, khu ứ chỉ thống. Chủ trị chứng kinh bế, đau bụng sau sinh, đau do ngã chấn thương".

Trích đoạn Y văn cổ:

  • Sách Tân tu bản thảo: " Chủ phá huyết, sau sinh huyết đầy tức muốn chết".
  • Sách Nhật hoa tử bản thảo: " trị phụ nhân, khí huyết tâm phúc thống, kinh nguyệt không đều. Bài nùng chỉ thống, tiêu ung nhọt, ứ huyết do chấn thương, xích bạch lî".
  • Sách Y học khởi nguyên (chủ trị bí quyết): " phát tán biểu lý phong khí".
  • Sách Bản thảo kinh sơ: " Tô phương mộc, phàm chứng tích huyết và đàn bà sau sanh huyết trướng đầy muốn chết, không ngoài bệnh của 2 kinh Tâm, Can. Tô mộc đi vào phần huyết, vị cay có tác dụng tẩu tán làm tan các chất bại trọc ứ tích, 2 kinh sẽ yên ổn và bệnh khỏi".
  • Sách Bản kinh phùng nguyên: " Tô mộc dương trung chi âm giáng nhiều thăng ít là thuốc của phần huyết kinh can, có tác dụng phá huyết, sau sanh huyết đầy trướng muốn chết, dùng rượu sắc đặc uống."
  • Sách Bản thảo cầu chân: " Tô mộc tác dụng như Hồng hoa, dùng ít có tác dụng hòa huyết, dùng nhiều thì phá huyết nhưng Hồng hoa tính hơi ôn hòa, còn Tô mộc tính hơi hàn lương".


 

B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:

1.Tô mộc có tác dụng làm co mạch nhẹ đối với tim ếch cô lập gây co bóp mạnh hơn, có thể làm cho lực co bóp của tim giảm do nước sắc Chỉ xác được hồi phục.

2.Thuốc có tác dụng làm giảm độc một số thuốc như: Chlopromazin, quinin, nikethamid,.. đối với tim ếch cô lập.

3.Liều lượng nhỏ của thuốc có thể gây ngủ đối với chuột nhắt, thỏ, chuột Hòa lan, liều lượng lớn có tác dụng gây mê, gây tử vong.

4.Thuốc có tác dụng đối kháng tính hưng phấn trung khu thần kinh của Strynin và Codein, nhưng không đối kháng với tính hưng phấn trung khu thần kinh của Morphin. Thuốc có tác dụng ức chế tử cung cô lập của chuột nhắt.

5.Nước ngâm và nước sắc Tô mộc có tác dụng ức chế các loại vi khuẩn như Bạch hầu, Cúm, Phó thương hàn C, Trực khuẩn Flexner, Tụ cầu vàng, Liên cầu khuẩn tan huyết, Phế cầu khuẩn, Ho gà, Thương hàn, Phó thương hàn A, B,.

Ứng dụng lâm sàng:

1.Trị chứng phụ nữ huyết trệ, kinh bế, bụng đau: dùng bài:

  • Thông kinh hoàn: Xích thược, Qui vỹ, Ngưu tất, Đào nhân đều 10g, Sinh địa 15g, Hổ phách 1,5g, Xuyên khung, Hồng hoa, Tô mộc đều 6g, Hương phụ, Ngũ linh chi đều 8g, hồ làm hoàn. Mỗi lần uống 10g, ngày 2 - 3 lần.

2.Trị chứng kinh nguyệt không đều hoặc sinh xong đau bụng từng cơn:

  • Tô mộc 10g, Huyền hồ sách 6g, Sơn tra 10g, Hồng hoa 3g, Ngũ linh chi 8g, Đương qi thân 10g, nước 600ml, sắc còn 200ml chia 3 lần uống trong ngày.
  • Sanh xong huyết ra nhiều: Tô mộc 12g, sắc với 200ml nước còn 100ml chia 2 lần uống trong ngày.

Nói chung điều trị bụng đau do huyết ứ, dùng Tô mộc thường phối hợp với Hồng hoa, Đương qui, Xích thược.

3.Trị chứng ngã té chấn thương tụ máu đau:

  • Bát ly tán: Xạ hương 0,4g, Tô mộc 15g, Chế phàn mộc miết 4g, Đồng tự nhiên, Nhũ hương, Một dược, Huyết kiệt đều 10g, Hồng hoa 8g, Đinh hương 2g, làm thuốc tán, mỗi lần uống 3 - 4g, ngày 2 lần, uống với rượu.
  • Nhị vị Sâm tô ẩm: Đảng sâm 12g, Tô mộc 6g, sắc nước uống trị tổn thương phổi nôn ra nhiều máu, khí hư huyết ứ.
  • Tô mộc sấy khô tán bột, rắc vào vết thương cầm máu.

Liều dùng và chú ý:

  • Thuốc uống và cho vào thuốc thang: 3 - 10g.
  • Dùng thận trọng với phụ nữ có thai.

 

Nguồn tin: theo GS Trần Văn Kỳ - Dược học cổ truyền - Ảnh sưu tầm từ Internet.

 Từ khóa: làm thuốc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Cám ơn

PHÚC TÂM ĐƯỜNG
Số: 4 B đường Phan Bội Châu, Phường 1, TP Tuy Hòa
Mail: Phuctamduong@gmail.com | ĐT: 0905 147 543

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây