KINH TÚC DƯƠNG MINH VỊ
(mỗi bên có 45 huyệt)
A. Đường đi: Từ ở cạnh mũi đi lên hai kinh hai bên gặp nhau ở gốc mũi ngang ra hai bên để giao với kinh Thái dương Bàng quang ở Tinh minh xuống dưới theo đường ngoài mũi vào hàm trên rồi đi vào mép, một mặt vòng môi trên giao với nhau ở mạch Đốc ( Nhân trung) mặt khác vòng môi dưới giao với mạch Nhâm (Thừa tương) rồi quay lại đi dọc phía dưới hàm dưới ra sau Đại nghinh đến trước góc hàm dưới vòng lên trước tai, giao với kinh Thiếu dương Đởm ở Thượng quan, lên bờ trước tai, giao với kinh Đởm (Huyền ly, Hàm yến), lên trên bờ góc trán rồi ngang theo chân tóc ra gặp mạch Đốc (Thần đình).
Từ trước huyệt Đại nghinh xuống cổ, dọc thanh quản, vào hố trên đòn (Khuyết bồn) thẳng qua vú, xuống bụng, đi hai bên mạch Nhâm xuống ống bẹn (Khí xung), theo cơ thẳng trước (Phục thỏ) ở đùi xuống gối (Độc tỵ) dọc phía ngoài xương chày, xuống cổ chân, mu chân rồi đi ra ở bờ ngoài góc móng ngón chân thứ hai.
Phân nhánh: Từ hố trên đòn (Khuyết bồn) xuyên cơ hoành (thuộc) về Vị, liên lạc với Tỳ.
- Từ môn vị dạ dày xuống bụng dưới, hợp với kinh chính ở ống bẹn.
- Từ Túc tam lý đi phía ngoài kinh chính xuống đến ngón chân giữa.
- Từ mu bàn chân (Xung dương) vào đầu ngón chân cái để nối với kinh Thái âm Tỳ ở chân.
B. Biểu hiện bệnh lý:
* Kinh bị bệnh: Mũi chảy máu, miệng môi mọc mụn, họng đau, cổ sưng, mồm méo, ngực đau, chân sưng đau hoặc teo lạnh; tà khí thịnh; sốt cao, ra mồ hôi có thể phát cuồng.
* Phủ bị bệnh: Vị nhiệt: ăn nhiều, đái vàng, bồn chồn có thể phát cuồng.
Vị hàn: đầy bụng, ăn ít.
C.Trị các chứng bệnh: Bệnh ở đầu, mặt, mũi, răng, họng. Bệnh ở não, dạ dày, ruột, sốt cao.
1.THỪA KHẤP
(Huyệt Hội của Kinh Dương minh ở chân với mạch Dương kiểu và Nhâm mạch)
Vị trí: ở dưới mắt 0,7 tấc, từ con ngươi thẳng xuống (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành).
Lấy ở chỗ gặp nhau của bờ dưới xương ổ mắt với đường dọc chính giữa mắt.
Giải phẫu: Dưới da là cơ vòng mi (giữa phần ổ mắt và phần mi của cơ này) ở sâu là cơ thẳng dưới, cơ chéo bé của mắt và nhãn cầu. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh sọ não số VII và các nhánh cuả dây thần kinh sọ não số III. Da vùng huyệt chi phối bởi dây thần kinh sọ não số V.
Tác dụng: -Tại chỗ: Đau mắt đỏ, sưng mắt, chảy nước mắt, quáng gà, liệt mặt., giật mi .
Cách châm cứu: Dùng một ngón tay đặt lên mi dưới, đẩy nhãn cầu lên trên, châm mũi kim chếch xuống dưới, dựa theo bờ ổ mắt, sâu 0,2-0,3 tấc, không vê kim. Không cứu.
Chú ý: Tránh châm vào nhãn cầu, hoặc vào mạch máu khu mi dưới vì dễ gây tụ máu
dưới da.
2. TỨ BẠCH
Vị trí: ở dưới mắt, từ con ngươi thẳng xuống 1 tấc (Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)
Lấy ở thẳng con ngươi xuống 1 tấc
Giải phẫu: Dưới da là bờ dưới cơ vòng mi (phần ổ mắt) trên chỗ bám của cơ gò má nhỏ (một cơ thuộc cơ vuông môi trên). Chỗ tiếp khớp của xương gò má với xương hàm trên. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh sọ não số VII. Da vùng huyệt chi phối bởi dây thần kinh sọ não số V.
Tác dụng: -Tại chỗ:Đau mắt đỏ (viêm màng tiếp hợp, viêm cũng mạc), mi mắt co giật, hoa mắt, liệt mặt.
Cách châm cứu: Châm sâu 0,2-0,3 tấc. Không nên cứu. Khi cần cứu không được cứu thành sẹo.
3. CỰ LIÊU
( Huyệt Hội của kinh Dương minh ở chân với mạch Dương kiểu)
Vị trí: ở cách ngoài lỗ mũi độ 0,8 tấc, thẳng con ngươi xuống, ngang với huyệt Nhân trung (Giáp ất, Loại kinh, Đại thành)
Lấy ở điểm gặp nhau của đường dọc qua chính giữa mắt với rãnh mũi - má ( bảo người bệnh cười cho hiện rõ rãnh mũi - má để lấy huyệt)
Giải phẫu: Dưới da là cơ gò má nhỏ, cơ nâng cánh mũi và môi trên (cơ vuông môi trên) vào sâu có cơ nanh, xương hàm trên. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh sọ não số VII. Da vùng huyệt chi phối bởi dây thần kinh sọ não số V.
Tác dụng: - Tại chỗ: Liệt mặt, giật mi mắt, sưng má, đau răng.
Cách châm cứu: Châm 0,2-0,3 tấc. Cứu 10-20 phút.
Chú ý: không cứu thành sẹo.
4. ĐỊA THƯƠNG
( Huyệt Hội của kinh Dương minh ở chân với kinh Dương minh ở tay và mạch Dương kiểu)
Vị trí: Ở cách mép 0,4 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)
Kẻ đường ngang qua 2 mép, huyệt ở điểm đường này gặp rãnh mũi mép ( bảo người bệnh cười cho hiện rõ rãnh mũi - mép mà lấy huyệt)
Giải phẫu: Dưới da là chỗ đan chéo thớ của các cơ vòng môi, cơ gò má lớn, cơ cười, cơ tam giác môi, vào sâu có cơ mút và cơ nanh. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh sọ não số VII. Da vùng huyệt chi phối bởi dây thần kinh não số V.
Tác dụng: -Tại chỗ: Liệt mặt, đau dây thần kinh sinh ba (dây TK số V), chảy rãi, chốc mép
Cách châm cứu: Chữa liệt mặt thì châm luồn kim dưới da hướng mũi kim về huyệt Giáp xa, sâu 0,7- 1 tấc. Chữa các bệnh khác châm thẳng, sâu 0,2-0,3 tấc. Cứu 10-20 phút.
Chú ý: Không cứu thành sẹo.
5. ĐẠI NGHÊNH
Vị trí: Ở trước xương quai hàm 1,3 tấc, trong chỗ lõm của xương, có động mạch (Giáp ất, Loại kinh, Đại thành)
Bảo người bệnh cắn chặt răng cho cơ cắn rõ, sờ tìm bờ trước cơ cắn, lấy huyệt ở bờ trước cơ và trên bờ dưới xương hàm dưới một ngang ngón tay, ngay trên rãnh động mạch mặt.
Giải phẫu: Dưới da là bờ dưới cơ cười, cơ mút, sát bờ trước cơ cắn. Rãnh động mạch mặt của xương hàm dưới. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh sọ não số VII và số V. Da vùng huyệt chi phối bởi dây thần kinh sọ não số V.
Tác dụng: - Tại chỗ: Liệt mặt, sưng má, đau răng.
Cách châm cứu: Mũi kim hướng về huyệt Giáp xa sâu 0,3-0,5 tấc. Cứu 10-20 phút.
Chú ý: Tránh châm vào động mạch. Không cứu thành sẹo.
6. GIÁP XA
Vị trí: Ở dưới tai 0,8 tấc, đầu xương quai hàm, gần chỗ lõm phía trước (Giáp ất, Loại kinh, Đại thành)
Bảo người bệnh cắn chặt răng, lấy huyệt ở chỗ cơ cắn nổi lên cao nhất. Khi không cắn răng chỗ đó lõm xuống, ấn vào có cảm giác ê tức. Ở trước góc hàm và ở trên bờ dưới xương hàm dưới 1 ngang ngón tay.
Giải phẫu: Dưới da là cơ cắn, xương hàm dưới. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh sọ não số V. Da vùng huyệt chi phối bởi dây thần kinh sọ não số V.
Tác dụng: Tại chỗ: Liệt mặt, cứng hàm, đau răng, quai bị.
Cách châm cứu: Chữa liệt mặt châm luồn kim dưới da, mũi kim hướng về phía Địa thương.
Chữa đau răng mũi kim hướng về răng đau. Chữa bệnh khác châm thẳng sâu 0,3-0,4 tấc.
Cứu 10-20 phút. Không cứu thành sẹo. Ôn châm cùng với huyệt Địa thương và Tinh minh để chữa liệt mặt ngoại biên. Châm đắc khí thấy căng tức tại chỗ.
7. HẠ QUAN
( Huyệt Hội của kinh Dương minh và Thiếu dương ở chân)
Vị trí: Ở dưới huyệt Khách chủ nhân (Thượng quan) mé dưới động mạch, ngậm chặt miệng thì lõm xuống, há miệng ra thì đầy lên (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành).
Sờ tìm góc phía trước của mỏm tiếp xương Thái dương và lồi cầu xương hàm dưới bảo người bệnh ngậm miệng lấy huyệt ở trong góc này.
Giải phẫu: Dưới da là tuyến mang tai, chỗ bám của bờ sau cơ nhai lớp sâu có cơ chân bướm ngoài.Thần kinh vận động cơ là dây thần kinh sọ não số V. Da vùng huyệt chi phối bởi dây thần kinh sọ não số V.
Tác dụng: Tại chỗ: Đau cứng hoặc trật khớp hàm, đau răng, liệt mặt, ù tai.
Cách châm cứu: Châm thẳng sâu 0,2-0,3 tấc. Cứu 5-10 phút. Không cứu thành sẹo.
8. ĐẦU DUY
( Huyệt Hội của kinh Dương minh ở chân với kinh Thiếu dương ở chân và mạch Dương duy)
Vị trí: Ở góc trán vào trong chân tóc, ngoài huyệt Bản thần 1,5 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành).
Từ huyệt Thần đình ngang ra 4,5 tấc, lấy huyệt ở trên đường khớp trán - đỉnh.
Giải phẫu: Dưới da là chỗ cơ thái dương dính vào cân sọ, dưới cân sọ là xương sọ. Thần kinh vận động cơ là nhánh dây thần kinh sọ não số V. Da vùng huyệt chi phối bởi dây thần kinh sọ não số V.
Tác dụng: Tại chỗ: Đau đầu (vùng thái dương trán), đau mắt, chảy nước mắt, giật mi mắt.
Cách châm cứu: Châm luồn kim dưới da, sâu 0,5-0,7 tấc.
Chú ý: Châm đắc khí thấy căng tức, tê tại chỗ, hoặc lan rộng một mảng đầu. Nếu châm vào màng xương thì đau buốt. Không cứu.
9. NHÂN NGHÊNH
( Huyệt Hội của các kinh Dương minh và Thiếu dương ở chân)
Vị trí: Ở động mạch lớn bên cổ, sờ thấy mạch đập, phía ngoài yết hầu 1,5 tấc (Phát huy, Đại thành).
Lấy ở điểm gặp nhau của bờ trước cơ ức đòn chũm và đường ngang qua chỗ lồi nhất của Yết hầu. Dưới huyệt sờ thấy động mạch cảnh đập.
Giải phẫu: Dưới da là bờ trước cơ ức đòn chũm, bó mạch thần kinh cảnh, lớp sâu là cơ bậc thang, cơ đổ dài và cơ góc. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh sọ não số XI và XII, các nhánh của đám rối thần kinh cổ. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C3.
Tác dụng:
- Tại chỗ: Đau sưng họng, mất tiếng đột ngột, lao hạch.
- Toàn thân: Hen suyễn, tức ngực, cao huyết áp.
Cách châm cứu: Sách Đồng nhân nói cấm châm (có thể chết người). Ngày nay dùng kim nhỏ có thể châm nông, không kích thích mạnh và phải lấy tay đẩy động mạch sang một bên để tránh châm vào động mạch.
Chú ý: dễ bị say kim và chảy máu.
10.THỦY ĐỘT
Vị trí: Ở trước ngấn lớn trên cổ, thẳng dưới huyệt Nhân nghênh trên huyệt Khí xá (Gíáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành).
Lấy ở bờ trước cơ ức đòn chũm chính giữa huyệt Nhân nghênh và huyệt Khí xá
Giải phẫu: Dưới da là bờ trước cơ ức đòn chũm, khe giữa các cơ vai móng, ức móng, ức giáp, vào sâu có bó mạch thần kinh cảnh, cơ cổ dài, cơ bậc thang trước. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh sọ não số XI và số XII, các nhánh của đám rối thần kinh cổ. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C3.
Tác dụng:
- Tại chỗ: Đau, sưng họng, tràng nhạc.
- Toàn thân: Ho, hen, khó thở.
Cách châm cứu: Châm 0,2 - 0,3 tấc. Cứu 5 - 15 phút.
Chú ý: Tránh châm sâu vì có thể châm vào bó mạch cảnh ở sau cơ vai móng gây chảy máu.
11. KHÍ XÁ
Vị trí: Ở trong chỗ lõm ở cổ, chỗ thẳng huyệt Nhân nghênh xuống ngang với huyệt Thiên Đột (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành).
Lấy ở chỗ lõm sát bờ trên xương đòn, khe giữa bó bám vào xương ức và bó bám vào xương đòn của cơ ức đòn chũm.
Giải phẫu: Dưới da là khe giữa bó ức và bó đòn cơ ức đòn chũm, vào sâu là cơ ức đòn móng và ức giáp. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh sọ não số XI và XII, nhánh của dây thần kinh cổ 2. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C2.
Tác dụng:
- Tại chỗ: Đau sưng họng, tràng nhạc, bướu cổ.
-Toàn thân: hen, suyễn, khó thở.
Cách châm cứu: Châm 0,2-0,4 tấc. Cứu 5-15 phút.
Chú ý: Không châm sâu và kích thích mạnh vì có thể gây tổn thương bó mạch thần kinh cảnh.
12. KHUYẾT BỔN
Vị trí: Ở trong chỗ lõm xương đòn dưới vai (Giáp ất)
Lấy ở chỗ lõm sát bờ trên xương đòn, thẳng núm vú lên, trong khe giữa cơ ức đòn chũm và cơ thang.
Giải phẫu: Dưới da là hố trên đòn có các cơ bậc thang và cơ vai móng.
Thần kinh vận động cơ là các nhánh trước của dây thần kinh số 3, 4, 5 và nhánh của dây thần kinh sọ não số XII. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đọan thần kinh C3.
Tác dụng:
- Tại chỗ: Đau sưng cổ họng, đau bụng, tức ngực.
- Toàn thân: ho, hen suyễn.
Cách châm cứu: Châm 0,3-0,4 tấc. Cứu 5-15 phút.
Chú ý: Không châm sâu và kích thích mạnh vì có thể châm vào đỉnh phổi, dễ bị say kim hoặc gây tổn thương phổi.
13. KHÍ HỘ
Vị trí: Ở dưới xương đòn, trong chỗ lõm xuống, cách hai bên huyệt Du phủ 2 tấc, từ giữa ra 4 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)
Lấy ở trên bờ trên xương sườn 1 và ở trên đường thẳng đứng qua núm vú, cách mạch Nhâm 4 tấc.
Giải phẫu: Dưới da là cơ bám da cổ, cơ ngực to, cơ dưới đòn, bờ trên xương sườn 1, đỉnh phổi. Thần kinh vận động cơ là nhánh cơ bám da của thần kinh mặt, nhánh cơ ngực to và cơ dưới đòn của đám rối thần kinh nách. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C4.
Tác dụng: Tại chỗ và toàn thân: Ho, suyễn, ngực sườn đầy tức.
Cách châm cứu: Châm 0,2-0,3 tấc. Cứu 5-15 phút.
Chú ý: Không châm sâu vì có thể vào phổi gây tai biến.
14. KHỐ PHÒNG
Vị trí: Ở trong chỗ lõm dưới huyệt Khí hộ 1,6 tấc cách đường giữa ngực 4 tấc (Đại thành)
Lấy ở trên bờ trên xương sườn 2 và ở trên đường thẳng đứng qua núm vú, cách mạch Nhâm 4 tấc.
Giải phẫu: Dưới da là cơ ngực to, các cơ gian sườn 1, bờ trên xương sườn 2, đỉnh phổi. Thần kinh vận động cơ là nhánh ngực to của đám rối thần kinh nách, dây thần kinh gian sườn1. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C4.
Tác dụng: Tại chỗ và toàn thân: Ho, ngực sườn đầy tức, ít-tê-ri.
Cách châm cứu: Châm 0,2-0,3 tấc. Cứu 5-15 phút.
Chú ý: Kết hợp châm tả Khố phòng với châm bổ Thiếu hải và Thân mạch để chữa it-tê-ri. Không châm sâu vì có thể vào phổi gây tai biến.
15. ỐC Ế
Vị trí: Ở giữa chỗ lõm dưới huyệt Khố phòng 1,6 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành).
Lấy huyệt ở trên bờ trên xương sườn 3 và ở trên đường thẳng đứng qua núm vú cách Mạch Nhâm 4 tấc.
Giải phẫu: Dưới da là cơ ngực to, bờ trên cơ ngực bé các cơ gian sườn 2, bờ trên xương sườn 3, trong sâu có phổi. Thần kinh vận động cơ là nhánh cơ ngực to, nhánh cơ ngực bé của đám rối thần kinh nách dây thần kinh gian sườn 2. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D2.
Tác dụng: Tại chỗ và toàn thân: Đau vú, ho, suyễn, ngực sườn đầy tức.
Cách châm cứu: Châm 0,2-0,3 tấc. Cứu 5-15 phút.
Chú ý: Không châm sâu, vì có thể vào phổi và tim gây tai biến.
16. ƯNG SONG
Vị trí: Ở chỗ lõm, dưới huyệt Ốc ế 1,6 tấc, cách đường giữa ngực 4 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành).
Lấy ở trên bờ sườn 4, thẳng đầu núm vú lên, cách mạch Nhâm 4 tấc.
Giải phẫu: Dưới da là cơ ngực to, cơ ngực bé các cơ gian sườn 3, bờ trên xương sườn 4, phổi và tim ở bên trái. Thần kinh vận động cơ là nhánh ngực to, nhánh ngực bé của đám rối thần kinh nách, dây thần kinh gian sườn 3. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D3.
Tác dụng: Tại chỗ và toàn thân: Đau vú, ho, suyễn, ngực sườn đau tức.
Cách châm cứu: Châm 0,2-0,3 tấc. Cứu 5-15 phút.
Chú ý: Không châm sâu, vì có thể vào phổi và tim gây tai biến nguy hiểm nhất là bên trái
17. NHŨ TRUNG
Vị trí: Ở chính giữa đầu núm vú (Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)
Lấy ở chính giữa đầu núm vú.
Giải phẫu: Dưới đầu núm vú là chùm tuyến vú, sau chùm tuyến vú là cơ ngực to, cơ ngực bé, các cơ gian sườn 4. Thần kinh vận động cơ là dây thần kinh ngực to, dây thần kinh ngực bé và dây thần kinh gian sườn 4. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D4.
Chú ý: Huyệt này cấm châm và cấm cứu, các nhà châm cứu xưa thường chỉ dùng huyệt này để làm mốc lấy các huyệt ở ngực và bụng.
18. NHŨ CĂN
Vị trí: Ở chỗ lõm dưới huyệt Nhũ trung 1,6 tấc, cách đường giữa ngực 4 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)
Lấy ở trên bờ trên xương sườn 6, thẳng đầu núm vú xuống, cách mạch Nhâm 4 tấc, đẩy vú lên để lấy huyệt.
Giải phẫu: Dưới da là cơ ngực to, các cơ ngực bé, các cơ gian sườn 5, bờ trên xươg sườn 6, bên phải là phổi, bên trái là mỏm tim. Thần kinh vận động cơ là nhánh cơ ngực to, nhánh cơ ngực bé của đám rối thần kinh nách và dây thần kinh gian sườn 5. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đọan thần kinh D4-D5.
Tác dụng : Tại chỗ và toàn thân: Đau vú, ít sữa, ho suyễn, đau ngực.
Cách châm cứu: Châm 0,2-0,3 tấc. Cứu 5-15 phút.
Chú ý: Không châm sâu, vì có thể vào phổi và tim gây tai biến nguy hiểm.
19. BẤT DUNG
Vị trí: Ở cách hai bên huyệt U môn đều 1,5 tấc (Giáp ất)
Lấy ở huyệt Cự khuyết ngang ra 2 tấc.
Giải phẫu: Dưới da là cân cơ chéo to, cơ thẳng to, mạc ngang, phúc mạc, trong ổ bụng là gan. Thần kinh vận động cơ là 6 dây thần kinh gian sườn dưới và dây thần kinh bụng-sinh dục. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D5.
Tác dụng: Tại chỗ và toàn thân: Đầy bụng, nôn mữa, đau dạ dày, kém ăn, nôn ra máu, đau vùng tim.
Cách châm cứu: Châm 0,3-0,4 tấc. Cứu 5-15 phút.
Chú ý: Không châm sâu quá vì có thể làm tổn thương gan, gây chảy máu trong nguy hiểm
20. THỪA MÃN
Vị trí: Ở dưới huyệt Bất dung 1 tấc (Giáp ất)
Lấy ở huyệt Thượng quản ngang ra 2 tấc.
Giải phẫu: Dưới da là cân cơ chéo to, cơ thẳng to, mạc ngang, phúc mạc, bên phải là gan, bên trái là dạ dày.Thần kinh vận động cơ là sáu dây thần kinh gian sườn dưới và dây thần kinh bụng - sinh dục. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D7.
Tác dụng: Tại chỗ và toàn thân: đầy bụng, sôi bụng, đau dạ dày, nôn mửa, kém ăn, vàng da, nôn ra máu, iả chảy.
Cách châm cứu: Châm 0,3-0,4 tấc. Cứu 5-15 phút.
Chú ý: Không nên châm quá sâu vì có thể làm tổn thương gan, gây chảy máu trong nguy hiểm.
21. LƯƠNG MÔN
Vị trí: Ở dưới huyệt Thừa mãn 1 tấc (Giáp ất)
Lấy ở huyệt Trung quản ngang ra 2 tấc.
Giải phẫu: dưới da là cân cơ chéo to, cơ thẳng to, mạc ngang, phúc mạc, trong ổ bụng là dạ dày. Thần kinh vận động cơ là sáu dây thần kinh gian sườn dưới và dây thần kinh bụng-sinh dục. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D8.
Tác dụng: Tại chỗ: Đau dạ dày, đau vùng thượng vị, nôn mửa, kém ăn , ỉa chảy.
Cách châm cứu: Châm đắc khí thấy căng tức tại chỗ. Khi chữa bệnh của dạ dày nên gây được cảm giác chạy sâu vào trong bụng.
Kết hợp với huyệt Trung quản và Túc tam lý để chữa đau vùng thượng vị.
Kết hợp với Trung quản, Nội quan, Lương khâu để chữa bệnh rối loạn cơ năng của thần kinh dạ dày.
22. QUAN MÔN
Vị trí: Ở dưới huyệt Lương môn 1 tấc ( Giáp ất)
Lấy ở huyệt Kiên lý ngang ra 2 tấc.
Giải phẫu: Dưới da là cân cơ chéo to, cơ thẳng to, mạc ngang, phúc mạc, trong ổ bụng là tràng ngang. Thần kinh vận động cơ là 6 dây thần kinh gian sườn dưới và dây thần kinh bụng-sinh dục. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D8.
Tác dụng: Tại chỗ và toàn thân: sôi bụng, ỉa chảy, kém ăn, phù thủng, đau thượng vị, đầy bụng.
Cách châm cứu: Châm 0,7- 1 tấc. Cứu 5-15 phút.
23. THÁI ẤT
Vị trí: Ở dưới huyệt Quan môn 1 tấc ( Giáp ất)
Lấy ở huyệt Hạ quản ngang ra 2 tấc.
Giải phẫu: Dưới da là cân cơ chéo to, cơ thẳng to, mạc ngang, phúc mạc, trong ổ bụng là ruột non. Thần kinh vận động cơ là 6 dây thần kinh gian sườn dưới và dây thần kinh bụng-sinh dục. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D9.
Tác dụng:
- Tại chỗ: Đau dạ dày, tiêu hóa kém.
- Toàn thân: Điên cuồng, bứt rứt không yên.
Cách châm cứu: Châm 0,7 -1 tấc. Cứu 5 -15 phút.
Chú ý: Có thai nhiều tháng không châm sâu.
24. HOẠT NHỤC MÔN
Vị trí: Ở dưới huyệt Thái ất 1 tấc (Giáp ất)
Lấy ở huyệt Thủy phân ngang ra 2 tấc.
Giải phẫu: Dưới da là cân cơ chéo to, cơ thẳng to, mạc ngang, phúc mạc, trong ổ bụng là ruột non và tử cung khi có thai gần đến ngày sinh. Thần kinh vận động cơ là 6 dây thần kinh gian sườn dưới và dây thần kinh bụng-sinh dục. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D9.
Tác dụng: Tại chỗ: đau dạ dày, nôn mửa. Toàn thân: điên cuồng.
Cách châm cứu: châm 0,7- 1 tấc. Cứu 5-15 phút.
Chú ý: có thai nhiều tháng không châm sâu.
25.THIÊN KHU
( Huyệt Mộ của Đại trường)
Vị trí: Ở rốn ngang ra 2 tấc ( Phát huy, Đại thành)
Lấy ở huyệt Thần khuyết ngang ra 2 tấc.
Giải phẫu: Dưới da là cân cơ chéo to, cơ thẳng to, mạc ngang, phúc mạc, trong ổ bụng là ruột non và tử cung khi có thai 7-8 tháng. Thần kinh vận động cơ là 6 dây thần kinh gian sườn dưới và dây thần kinh bụng-sinh dục. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D10.
Tác dụng: Tại chỗ và toàn thân: Đau bụng quanh rốn, sôi bụng, đầy bụng, ăn không tiêu, nôn, táo bón, ỉa chảy, lỵ.
Cách châm cứu: Châm 0,7- 1 tấc . Cứu 5-15 phút.
Chú ý: Châm đắc khí thấy căng, tức tại chỗ hoặc chạy vào chỗ đau.
Có thai nhiều tháng không châm sâu.
26. NGOẠI LĂNG
Vị trí: Ở dưới huyệt Thiên khu 1 tấc, giữa bụng ngang ra 2 tấc ( Phát huy, Đại thành).
Lấy huyệt Âm giao ngang ra 2 tấc.
Giải phẫu: Dưới da là cân cơ chéo to, cơ thẳng to, mạc ngang, phúc mạc, trong ổ bụng là ruột non và tử cung khi có thai 6-7 tháng, bàng quang khi bí tiểu nhiều. Thần kinh vận động cơ là 6 dây thần kinh gian sườn dưới và dây thần kinh bụng-sinh dục. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D11.
Tác dụng: Tại chỗ: Đau bụng quanh rốn.
Cách châm cứu: Châm 0,7- 1 tấc. Cứu 5-15 phút.
Chú ý: Có thai không châm sâu.
27.ĐẠI CỰ
Vị trí: Ở dưới huyệt Ngoại lăng 1 tấc. Từ giữa bụng ra 2 tấc (Phát huy, Đại thành).
Lấy ở huyệt Thạch môn ngang ra 2 tấc.
Giải phẫu: Dưới da là cân cơ chéo to, cơ thẳng to, mạc ngang, phúc mạc, trong ổ bụng là ruột non, tử cung khi có thai 5-6 tháng, bàng quang khi bí tiểu vừa. Thần kinh vận động cơ là 6 dây thần kinh gian sườn dưới và dây thần kinh bụng-sinh dục. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D11.
Tác dụng:
- Tại chỗ: bụng dưới tức đầy.
- Theo kinh: tiểu tiện khó, di tinh, xuất tinh sớm.
Cách châm cứu: Châm 0,7- 1,2 tấc. Cứu 5-15 phút.
Chú ý: có thai không châm sâu, bí tiểu tiện không châm sâu.
28. THỦY ĐẠO
Vị trí: Ở dưới huyệt Đại cự 1 tấc. Từ huyệt Quan nguyên đi ra 2 tấc (Tuần kinh)
Lấy ở huyệt Quan nguyên ngang ra 2 tấc.
Giải phẫu: Dưới da là cân cơ chéo to, cơ thẳng to, mạc ngang , phúc mạc, trong ổ bụng là ruột non và tử cung khi có thai 4-5 tháng, bàng quang khi bị bí tiểu vừa.Thần kinh vận động cơ là 6 dây thần kinh gian sườn dưới và dây thần kinh bụng-sinh dục.Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D 12.
Tác dụng: Tại chỗ: bụng dưới đầy tức, bụng có báng nước.
Theo kinh: Bí tiểu tiện, viêm bàng quang.
Cách châm cứu: Châm 0,7 - 1 tấc. Cứu 5-15 phút.
Chú ý: Kết hợp với Thủy phân, Âm lăng tuyền, Túc tam lý chữa cổ chướng.
Kết hợp với Trung cực, Âm lăng tuyền, Tam âm giao chữa viêm bàng quang.
Có thai không châm sâu.
Bí tiểu tiện không châm sâu.
29. QUY LAI
Vị trí: Ở dưới huyệt Thủy đạo 1 tấc (Tuần kinh)
Lấy ở huyệt Trung cực ngang ra hai tấc.
Giải phẫu: Dưới da là cân cơ chéo to, bờ ngoài cơ thẳng to, mạc ngang, phúc mạc, trong ổ bụng là ruột non và tử cung khi có thai 3-4 tháng, đáy bàng quang khi đầy. Thần kinh vận động cơ là 6 dây thần kinh gian sườn dưới và dây thần kinh bụng-sinh dục. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D12.
Tác dụng:
- Tại chỗ: Đau bụng dưới, viêm phần phụ.
- Theo kinh: Tinh hoàn co lên bụng.
Toàn thân: Bế kinh, khí hư.
Cách châm cứu: Châm 0,7-1,2 tấc. Cứu 5-15 phút.
Chú ý: Châm đắc khí thấy căng, tức tại chỗ hoặc chạy vào bộ phận sinh dục.
Có thai không châm sâu, bị bí đái không châm sâu, bảo người bệnh đi tiểu trước khi châm.
30. KHÍ XUNG
Vị trí: Ở dưới huyệt Quy lai 1 tấc. Từ giữa bụng đi ra 2 tấc. Ngoài huyệt Khúc cốt 2 tấc (Tuần kinh)
Lấy ở huyệt Khúc cốt ngang ra 2 tấc.
Giải phẫu: Dưới da là cân cơ chéo to, bờ ngoài cơ thẳng to, cân cơ chéo bé của bụng và cơ ngang bụng, mạc ngang, phúc mạc; trong ổ bụng là ruột non và tử cung khi có thai 2-3 tháng, bàng quang khi đầy. Thần kinh vận động cơ là 6 dây thần kinh liên sườn dưới và dây thần kinh bụng-sinh dục. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L1.
Tác dụng: Tại chỗ: Đau sưng tinh hoàn và phần sinh dục ngoài, thóat vị, kinh nguyệt không đều, rong kinh.
Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc. Cứu 5-15 phút.
Chú ý: Châm đắc khí thấy căng, tức tại chỗ hoặc chạy vào bộ phận sinh dục ngoài.
Kết hợp với Khúc tuyền, Thái xung, Tam âm giao chữa đau, sưng sinh dục ngoài.
Có thai không châm sâu. Bảo người bệnh đi tiểu trước khi châm.
31. BỄ QUAN
Vị trí: Ở trên đầu gối, giữa khe lõm sau huyệt Phục thỏ (Gíápiaps Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)
Kẻ đường ngang qua xương mu và đường thẳng qua gai chậu trước trên, điểm gặp nhau của hai đường này trong chỗ lõm giữa cơ may và cơ căng cân đùi là huyệt.
Giải phẫu: Dưới da là góc của cơ may và cơ căng cân đùi, cơ thẳng trước đùi, khe của cơ rộng giữa đùi và cơ đái chậu, xương đùi. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh đùi, nhánh của dây thần kinh mông trên, các ngành ngang của đám rối thắt lưng. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L2.
Tác dụng: Tại chỗ: Đùi háng đau và co duỗi khó khăn, viêm cơ đái chậu, liệt do di chứng tai biến mạch máu não hay di chứng bại liệt.
Cách châm cứu: Châm 0,6- 1 tấc. Cứu 5-10 phút.
32. PHỤC THỎ
Vị trí: Ở trên đầu gối 6 tấc chỗ thịt nổi lên (Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)
Nối góc trên ngoài xương bánh chè với huyệt Bể quan. Huyệt ở điểm cách góc trên ngoài xương bánh chè 6 tấc (tức điểm 1/3 dưới nối với 2/3 trên của đường này)
Giải phẫu: Dưới da là bờ ngoài cơ thẳng trước, bờ trong cơ rộng ngoài, cơ rộng giữa, xương đùi. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh đùi. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L2.
Tác dụng: Tại chỗ và theo kinh: Đau háng, đầu gối co duỗi khó khăn, liệt chân do di chứng trúng phong hay di chứng bại liệt.
Cách châm cứu: Châm 0,6 - 1 tấc. Cứu 5-10 phút.
Chú ý: Có sách nói cấm cứu (Giáp ất, Đồng nhân)
33. ÂM THỊ
Vị trí: Ở trên gối 3 tấc chỗ lõm dưới huyệt Phục thỏ (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành).
Lấy ở trên góc trên-ngoài xương bánh chè 3 tấc, sát bờ ngoài gân cơ thẳng trước đùi ( gấp duỗi gối để tìm gân cơ)
Giải phẫu: Dưới da là khe giữa cơ thẳng trước và cơ rộng ngoài, cơ rộng giữa, xương đùi. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh đùi. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L3.
Tác dụng: Tại chỗ và theo kinh: Đầu gối tê, đau co duỗi khó khăn, liệt chân do di chứng trúng phong hay di chứng bại liệt.
Cách châm cứu: Châm 0,6 -1 tấc . Cứu 5-10 phút.
34. LƯƠNG KHÂU
(Huyệt Khích)
Vị trí: Ở trên gối 2 tấc, giữa hai đường gân (Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)
Lấy ở trên góc trên ngoài xương bánh chè 2 tấc, trong khe giữa gân cơ thẳng trước và cơ rộng ngoài của cơ tứ đầu đùi (gấp, duỗi gối để tìm khe)
Giải phẫu: Dưới da là khe giữa cơ thẳng trước và cơ rộng ngoài, cơ rộng giữa, xương đùi. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh đùi. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L3.
Tác dụng:
- Tại chỗ: Đau đầu gối.
- Theo kinh: Cơn đau dạ dày, tắc tia sữa, viêm tuyến vú.
Cách châm cứu: Châm 0,6- 1 tấc. Cứu 5-10 phút.
Kết hợp với Trung quản, Nội quan để chữa viêm dạ dày.
35. ĐỘC TỴ
Vị trí: Ở chỗ lõm dưới xương bánh chè, trên xương ống chân, ngoài đường gân lớn ở đầu gối (Đại thành).
Lấy ở chỗ lõm dưới góc dưới - ngoài xương bánh chè và ở ngoài gân cơ tứ đầu đùi (hơi co gối cho rõ lõm)
Giải phẫu: Dưới da là khe giữa cơ tứ đầu đùi và gân cơ căng cân đùi, góc ngoài bờ dưới xương bánh chè và khe khớp gối. Thần kinh vận động cơ là các nhánh dây thần kinh đùi và nhánh dây thần kinh mông trên. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L3.
Tác dụng: Tại chỗ: Đau sưng khớp gối.
Cách châm cứu: Châm luồn kim dưới xương bánh chè, mũi kim hướng lên góc trên-trong của xương bánh chè, sâu 0,6 - 1 tấc. Cứu 5-10 phút.
Chú ý: Kết hợp với Lương khâu, Dương lăng tuyền để chữa viêm đau khớp gối.
36. TÚC TAM LÝ
(Huyệt Hợp thuộc Thổ)
Vị trí: Ở duới gối 3 tấc, trong chỗ nổi lên của đường gân lớn ở ngoài xương ống chân (Phát huy, Đại thành)
Lấy ở ngang chỗ lõm của chân của cơ cẳng chân trước xương chày và ở ngoài chân củ này 1 khóat ngón tay.
Giải phẫu: Dưới da là cơ cẳng chân trước chỗ bám các thớ gân cơ hai đầu đùi, khe giữa xương chày và xương mác, màng gian cốt. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh hông to, nhánh của dây thần kinh chày trước. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L5.
Tác dụng:
- Tại chỗ: Đau gối, sưng gối, gối co duỗi khó khăn.
- Theo kinh: Liệt chân do di chứng trúng phong hay di chứng bại liệt, đau dạ dày, tắc tia sữa, viêm tuyến vú, đau mắt.
- Toàn thân: Ăn không tiêu, táo bón, sôi bụng, ỉa chảy, sốt. Là huyệt phòng bệnh nâng cao sức đề kháng của cơ thể.
Cách châm cứu: Châm 0,5-1 tấc. Cứu 5-10 phút.
Chú ý: Kết hợp với Trung quản, Nội quan, Thái xung chữa viêm lóet dạ dày.
Kết hợp với Hợp cốc, Thiên khu, Quan nguyên chữa tiêu hóa không tốt.
37. THƯỢNG CỰ HƯ
(Huyệt Hợp ở dưới của Đại trường)
Vị trí: Ở dưới huyệt Túc tam lý thẳng xuống 3 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành).
Lấy ở huyệt Túc tam lý thẳng xuống 3 tấc, gần bờ ngoài cơ cẳng chân trước.
Giải phẫu: Dưới da là bờ ngoài cơ cẳng chân trước, bờ trong cơ ruỗi chung các ngón chân, khe giữa xương chày và xương mác. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh chày trước. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L5.
Tác dụng:
- Tại chỗ: Đau cẳng chân.
- Theo kinh: Đau gối, đau bụng quanh rốn, sôi bụng.
- Toàn thân: Tiêu hóa kém, ỉa chảy, lỵ, bệnh của đại trường.
Cách châm cứu: Châm 0,5- 1 tấc. Cứu 10 -20 phút.
Chú ý: Kết hợp với Thiên khu chữa viêm ruột, lỵ trực trùng.
38. ĐIỀU KHẨU
Vị trí: Ở trên Hạ cự hư 1 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)
Lấy ở dưới Túc tam lý 5 tấc, ở điểm giữa đường nối Độc tỵ với huyệt Giải khê.
Giải phẫu: Dưới da là khe giữa cơ cẳng chân trước và cơ duỗi chung các ngón chân, vào sâu là bờ trong cơ duỗi dài riêng ngón chân cái, khe giữa xương chày và xương mác, màng gian cốt. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh chày trước. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L5.
Tác dụng: Tại chỗ: Tê, liệt cẳng chân.
Cách châm cứu: Châm 0,5 - 1 tấc. Cứu 5-10 phút.
39. HẠ CỰ HƯ
( Huyệt Hợp ở dưới của Tiểu trường)
Vị trí: Ở dưới huyệt Thượng cự hư 3 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)
Lấy ở dưới huyệt Túc tam lý 6 tấc, trong khe giữa cơ cẳng chân trước và cơ duỗi chung các ngón chân ( Vểnh bàn chân và xoay bàn chân ra ngoài cho hiện rõ các khe cơ)
Giải phẫu: Dưới da là khe giữa cơ cẳng chân trước và cơ duỗi chung các ngón chân, ở đây là bờ trong cơ duỗi dài riêng ngón cái, khe giữa xương chày và xương mác. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh chày trước. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L5.
Tác dụng:
- Tại chỗ: Tê liệt cẳng chân.
- Theo kinh: Đau bụng dưới, nóng rát vùng thượng vị, đau bụng giun, tắc tia sữa, viêm tuyến vú.
- Toàn thân: Kém ăn, động kinh, bệnh tiểu đường.
Cách châm cứu: Châm 0,5 - 1 tấc. Cứu 10 -20 phút.
40. PHONG LONG
( Huyệt lạc nối với kinh thái âm Tỳ)
Vị trí: Ở trên mắt cá ngoài 8 tấc, trong chỗ lõm, phía ngoài xương ống chân (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)
Lấy ở trên chỗ lồi cao nhất của mắt cá ngoài chân 8 tấc, trong khe của cơ duỗi chung các ngón chân và cơ mác bên ngắn (vểnh bàn chân xoay bàn chân ra ngoài cho rõ khe cơ)
Giải phẫu: Dưới da là khe giữa cơ duỗi chung các ngón chân và cơ mác bên ngắn, ở sâu là cơ duỗi dài riêng ngón chân cái, xương mác. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của thần kinh chày trước và nhánh của dây thần kinh cơ da. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L5.
Tác dụng:
- Tại chỗ: Đau nhức, tê liệt cẳng chân.
- Theo kinh: Đau bụng, đau ngực, đau họng, đau đầu.
- Toàn thân: Nôn, đờm tích, hen, suyễn, điên cuồng, chóng mặt.
Cách châm cứu: Châm 0,5- 1 tấc. Cứu 10-20 phút.
Chú ý: Kết hợp với Thiên trụ, Nội quan, Hành gian chữa chóng mặt.
41.GIẢI KHÊ
( Huyệt Kinh thuộc Hỏa)
Vị trí: Ở trên huyệt Xung dương 1,5 tấc, trong chỗ lõm trên cổ chân (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)
Lấy ở trên nếp gấp trước cổ chân, trong khe của gân cơ cẳng chân trước và gân cơ duỗi dài riêng ngón cái (vểnh bàn chân cho hiện rõ gân cơ cẳng chân trước sờ tìm gân cơ duỗi dài riêng ngón chân cái ở sát phía dưới và phía ngoài gân cơ cẳng chân trước, trong gân cơ dưỡi chung các ngón chân để xác định các khe)
Giải phẫu: Dưới da là khe giữa gân cơ cẳng chân trước và gân cơ duỗi dài riêng ngón chân cái, khe khớp mác-chày-sên. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh chày trước. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L5-S1.
Tác dụng:
- Tại chỗ: Đau cổ chân, teo cơ cẳng chân.
- Theo kinh: Đầy bụng, đau đầu, đau mắt, mặt sưng nề, đau răng, tắc tia sữa, viêm tuyến vú
- Toàn thân: Đại tiện khó, điên cuồng.
Cách châm cứu: Châm 0,5-0,8 tấc. Cứu 5-10 phút.
42. XUNG DƯƠNG
( Huyệt Nguyên)
Vị trí: Ở đầu ngón chân lên 5 tấc, sau Hãm cốc 2 tấc, có động mạch đập (Đại thành). Sau Hãm cốc 3 tấc (Giáp ất).
Nối 2 huyệt Giải khê và huyệt Nội đình, lấy ở chỗ xương nổi cao nhất ở mu chân, sờ có động mạch đập trước huyệt Giải khê 1,5 tấc.
Giải phẫu: Dưới da là bờ trong gân cơ duỗi ngón 2 của cơ duỗi chung các ngón chân, cơ duỗi ngắn ngón cái, sau khớp chêm - thuyền. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh chày trước. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L5.
Tác dụng:
- Tại chỗ: Bàn chân sưng đau, liệt mềm.
- Theo kinh: Đau bụng, đau răng, liệt mặt.
- Toàn thân: Điên cuồng.
Cách châm cứu: Châm 0,2-0,3 tấc. Cứu 5- 10 phút.
Chú ý: Tránh châm vào động mạch mu chân.
HÃM CỐC
(Huyệt Du thuộc Mộc)
Vị trí: Ở phía ngoài ngón chân cái và ngón thứ 2 chỗ lõm sau đốt thứ nhất. Sau Nội đình 2 tấc (Đại thành, Tuần kinh).
Sờ tìm vành cung nối thân với đầu trước xương bàn chân 2, Huyệt ở ngang chỗ nối này, trong khe của xương bàn chân 2 và 3.
Giải phẫu: Dưới da là khe giữa các gân duỗi các ngón 2 và 3 của cơ duỗi dài và cơ duỗi ngắn các ngón chân, cơ gian cốt mu chân 2, khe giữa xương bàn chân 2 và 3. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh chày trước và nhánh của dây thần kinh chày sau. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L5.
Tác dụng:
- Tại chỗ: Đau sưng bàn chân.
- Theo kinh: Đau bụng, sôi bụng, đau mắt.
- Toàn thân: Sốt không có mồ hôi.
Cách châm cứu: châm 0,3-0,8 tấc. Cứu 5-10 phút.
44. NỘI ĐÌNH
( Huyệt Huỳnh thuộc Thủy)
Vị trí: Ở trong chỗ lõm phía ngoài ngón chân cái và ngón thứ 2 (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành).
Ép sát hai đầu ngón chân 2 và 3 vào nhau huyệt ở đầu kẽ 2 ngón chân, phía mu chân, ngang chỗ nối thân với đầu sau xương đốt 1 ngón chân.
Giải phẫu: Dưới da là khe giữa các gân duỗi ngón 2 và 3 của cơ duỗi dài và cơ duỗi ngắn các ngón chân, cơ gian cốt mu chân 2, khe giữa xương đốt 1 ngón chân 2 và 3. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh chày trước và nhánh thần kinh chày sau. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L5.
Tác dụng:
- Tại chỗ: Đau sưng bàn chân.
- Theo kinh: Đau bụng, đau răng hàm trên, chảy máu cam, đau họng, liệt mặt.
- Toàn thân: Lỵ, ỉa chảy, không muốn ăn, sốt không có mồ hôi, bí trung tiện
Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc. Cứu 5-10 phút.
Chú ý: Kết hợp với Túc tam lý chữa bí trung tiện
45. LỆ ĐOÀI
( Huyệt Tỉnh thuộc Kim)
Vị trí: Ở đầu ngón chân thứ 2 phía ngón út, cách móng chân bằng lá hẹ (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành).
Lấy ở ngoài góc ngoài góc móng chân 2, cách gốc móng chân độ 0,2 tấc, trên đường tiếp giáp da gan chân với da mu chân.
Giải phẫu: Dưới da là xương đốt 3 ngón chân 2. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L5.
Tác dụng:
- Tại chỗ: Chân lạnh.
- Theo kinh: Đầy bụng, đau bụng, đau răng, chảy máu cam, liệt mặt.
- Toàn thân: Không muốn ăn, mộng mị, sốt không có mồ hôi, điên cuồng.
Cách châm cứu: Châm 0,1 tấc. Cứu 5-6 phút.
Nguồn tin: Châm cứu học tập 1 ( Viện Đông y) - Tổng hợp từ Internet